Theo thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Mường Lát, hai ca bạch hầu mới nằm trong số 23 người tiếp xúc gần ca bệnh được xác định trước đó.
Hai người đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá trong tình trạng sức khoẻ ổn định.
Tính đến sáng 8/8, tỉnh Thanh Hoá có 3 bệnh nhân mắc bạch hầu từ ổ dịch khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát. Còn 21 F1 đang tiếp tục cách ly theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát và tại nhà.
Ca bệnh bạch hầu đầu tiên ở Thanh Hóa là P.L.M (trú tại khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát). Kết quả điều tra dịch tễ, ngày 1/8, M đau rát họng, ở nhà dùng thuốc không đỡ.
Ngày 4/8, M đến phòng khám tư nhân và được tư vấn đến Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát cùng ngày với các triệu chứng sốt nhẹ, đau rát họng, nuốt vướng, niêm mạc họng đỏ xung huyết. Amydan 2 bên của bệnh nhân sưng nề đỏ, có nhiều giả mạc trắng bám trên bề mặt.
M được chẩn đoán nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu và được chuyển lên Khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá cùng ngày.
Tại đây, kết quả thăm khám người bệnh có các triệu chứng như đau rát họng, không sốt, không ho, không khó thở; vùng lưỡi gà và thành sau họng nhiều giả mạc màu trắng ngà, bóng, dai, dính chặt. Kết quả nhuộm soi hình ảnh vi khuẩn bạch hầu, nuôi cấy dương tính. M được chẩn đoán mắc bạch hầu. Trong 14 ngày trước khởi phát bệnh, M không đi đâu ra khỏi địa phương.
Đến chiều 5/8, đoàn giám sát phát hiện thêm 4 trường hợp tiếp xúc gần có biểu hiện đau họng và 15 trường hợp tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân.
Trung tâm Y tế huyện Mường Lát, Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát triển khai các biện pháp khoanh vùng, khống chế dịch bệnh cũng như tổ chức phun Cloramin B nồng độ 0,1% Clo hoạt tính tại khu vực nhà ở của người mắc bạch hầu, và xung quanh khu vực bệnh nhân sinh sống.
Báo cáo của CDC tỉnh Thanh Hóa cho biết, ổ dịch tại khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, diễn biến phức tạp do phát hiện ca bệnh không rõ nguồn lây.
Kết quả tiêm chủng vaccine đầy đủ các năm gần đây của Mường Lát chưa đạt yêu cầu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và khan hiếm vaccine có thành phần bạch hầu, nếu không kiểm soát tốt sẽ có nguy cơ bùng phát dịch.
Bạch hầu là loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khả năng gây dịch, lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường hô hấp. Ngoài ra, vi khuẩn bạch hầu cũng truyền nhiễm thông qua vật trung gian như đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh.
Vi khuẩn bạch hầu có thể xâm nhập qua da bị tổn thương, gây bạch hầu da. Trung bình sau khoảng hai tuần nhiễm vi khuẩn, người bệnh có thể bắt đầu lây nhiễm cho người khác thông qua các hình thức nói trên.
Bệnh nhân có dấu hiệu sốt nhẹ, khàn tiếng, ho, các giả mạc tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được điều trị kịp thời, các giả mạc gây tắc đường thở, làm bệnh nhân suy hô hấp và tử vong nhanh chóng.
Bình luận