Khi người Anh lựa chọn rời liên minh châu Âu, nhiều người cho rằng ngành tài chính Anh quốc sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất. Thế nhưng, nhìn qua kênh thị trường chứng khoán, có thể thấy, Tây Ban Nha và Italia mới là những quốc gia mất mát nhiều nhất.
Thiệt hại nặng
Ngày 24/6, Brexit (nước Anh rời khỏi châu Âu) được ủng hộ khi tỷ lệ người dân mong muốn nước Anh rời liên minh châu Âu thắng thế. Kết quả này giáng một đòn đau xuống ngành tài chính, chứng khoán toàn cầu. Sắc đỏ bao trùm lên tất cả thị trường chứng khoán.
Mở cửa phiên giao dịch 24/6, chứng khoán Mỹ “bốc hơi” 500 điểm. Chưa dừng lại ở đó, khi chốt phiên, chỉ số Dow Jones giảm tới 611 điểm. Cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu đà giảm, trong đó Goldman Sachs có đà mất mát nặng nề nhất.
Xét về tỷ lệ %, Dow và S&P đã chứng kiến ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 8/2015. Trong khi đó, với đà giảm 4,1%, chỉ số Nasdaq ghi nhận đà lao dốc kinh khủng nhất kể từ tháng 8/2011. Chỉ riêng phiên giảm giá trong ngày thứ sáu, Dow và S&P đã xóa đi hết mọi thành tựu có được trong năm.
Chứng khoán châu Âu có một ngày tồi tệ hơn rất nhiều. Chỉ số STOXX 600 của toàn thị trường châu Âu giảm 7%. Đây là mức thấp nhất trong ngày của chỉ số này.
Là “trung tâm” của thế giới, FTSE 100 của thị trường London “chỉ” giảm 3,2%. So với bình thường, 3,2% là mức giảm khủng khiếp nhưng so với một vài thị trường trong khu vực, con số này vẫn rất khiêm tốn.
IBEX 35 của Tây Ban Nha “bốc hơi” khủng khiếp nhất khi giảm tới 12,35%. Chỉ số FTSE MIB của Italia cũng ghi nhận mức giảm hơn 12%. Đứng sau IBEX 35 và FTSE MIB là chỉ số CAC của Pháp với đà giảm 8,04%, chỉ số DAX của Đức (6,82%), FTSE của Anh (3,15%).
Thị trường chứng khoán châu Á cũng đi lùi. Trong đó, thị trường Nhật Bản dẫn đầu đà giảm khi chỉ số Nikkei 225 giảm tới 7,92%. Chứng khoán Nhật Bản đang đối mặt với áp lực đồng yên Nhật tăng mạnh mẽ.
Các thị trường còn lại cũng đi xuống mạnh. Chỉ số Shanghai composite của Trung Quốc giảm 1,33%, Hang Seng index ở Hồng Kông “bốc hơi” 2,92%, ASX 200 của Australia giảm 3,17%. Có thể thấy, với mức giảm hơn 1%, chỉ số VN-Index của Việt Nam nằm trong nhóm “rơi” ít nhất.
Tài chính lao đao
Ở đa số các thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngành tài chính lao đao khi trở thành nhóm ngành dẫn dắt đà lao dốc.
Ở châu Âu, cổ phiếu của các ngân hàng Hy Lạp và Italia chịu áp lực lớn bởi nỗi lo về nợ xấu. Vì vậy, những cổ phiếu “rơi tự do” khiến hàng chục tỷ USD “bốc hơi”. Cổ phiếu Alpha Bank và Eurobank Ergasias đóng cửa ở mức thấp hơn 30%.
Điều đó đồng nghĩa với việc vốn hóa thị trường các ngân hàng này “bay” tới 30% chỉ trong 1 phiên giao dịch. Đứng sau là cổ phiếu Intesa Sanpaolo của Italia. Cổ phiếu này mất tới 23%.
Cổ phiếu của ngân hàng Pháp và Đức cũng trong tình cảnh “rơi tự do”. Deutsche Bank đóng cửa phiên cuối tuần khi giá cổ phiếu giảm 14%.
Cổ phiếu của Barclays và Royal Bank of Scotland cùng kết phiên ở mức giảm hơn 18%, cao hơn nhiều so với đà giảm chung của toàn thị trường.
Ở thị trường châu Á, tình trạng tương tự cũng diễn ra với cổ phiếu ngành tài chính, ngân hàng. Cổ phiếu Clydesdale Bank đóng cửa ở mức giảm 17,51%, cổ phiếu BT Investment “rơi” 14,19%. Các cổ phiếu của Commonwealth Bank of Australia, Westpac, National Australia Bank lần lượt giảm 3,27%,4,42% và 3,79%.
Tại thị trường Mỹ, ngành tài chính, ngân hàng trải qua phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 2011. Chỉ số ngành tài chính giảm tới 5,4%.
Bảo vệ túi tiền như thế nào?
Khi thế giới đang hoảng loạn, câu hỏi được nhiều người đặt ra chính là phải bảo vệ túi tiền của mình như thế nào.
Mitch Goldberg, Chủ tịch tư vấn đầu tư của ClientFirst Strategy đã trấn an khách hàng của mình rằng đây không phải một thảm họa. Trong một thông điệp gửi cho khách hàng, Mitch Goldberg khẳng định đây chỉ là khó khăn chứ không phải sự sụp đổ như năm 2008.
“Đây không phải một thảm họa. Nó chỉ là một ngày khó khăn. Nhưng chúng ta đã có nhiều tháng rất tốt. Vì vậy, một vài điều như thế sẽ sớm quay trở lại thôi” - Mitch Goldberg chia sẻ.
Trong khi đó, Bob Sewell, Chủ tịch kiêm CEO Bellwether Investment Management ở Oakville, Ontario, Canada đồng ý với quan điểm cho rằng quá trình này sẽ diễn ra dài lâu. Và điều nhà đầu tư cần làm là... không làm gì quyết liệt. Bob Sewell nhấn mạnh hiện tại, các rủi ro đầu tư chủ yếu xuất hiện ở châu Âu và các công ty có liên quan tới châu Âu và nước Anh.
Bình luận