• Zalo

Thế giới 24h: 6 máy bay Osprey đầu tiên của Mỹ tới Nhật

Thế giớiThứ Hai, 01/10/2012 05:30:00 +07:00Google News

(VTC News) - Nhật chuyển 6 máy bay Osprey đầu tiên tới Okinawa; Việt kiều Australia góp tiền xây trường ở Trường Sa;… là những tin đáng chú ý trong ngày 1/10.

(VTC News) - 6 máy bay Osprey đầu tiên của Mỹ tới Okinawa; Việt kiều Australia góp tiền xây trường ở Trường Sa;… là những tin đáng chú ý trong ngày 1/10.

6 máy bay Osprey đầu tiên của Mỹ tới Okinawa

6 chiếc trực thăng vận tải thế hệ mới MV-22 Osprey đầu tiên của lính thủy đánh bộ Mỹ sáng 1/10 đã rời căn cứ Iwakuni, tỉnh Yamaguchi - địa điểm lưu đỗ tạm thời, tới Căn cứ không quân Futenma ở thành phố Ginowan, tỉnh Okinawa, miền Nam Nhật Bản.

Thành phố Ginowan và tỉnh Okinawa yêu cầu chính phủ xem xét lại kế hoạch triển khai trong khi người dân tiếp tục tập trung trước cổng căn cứ Futenma phản đối kế hoạch này.

Tỉnh trưởng Okinawa Nakaima Hirokazu phản đối mạnh mẽ kế hoạch triển khai trên. Ông cho biết: “Việc cố tình triển khai mà không giải quyết nỗi lo của người dân địa phương là câu chuyện không lý giải nổi. Chính phủ tuyên bố an toàn nhưng liệu ai có thể đoán được máy bay sẽ rơi vào đầu mình lúc nào?”.

Máy bay MV-22 Osprey tại căn cứ không quân ở San Diego ngày 13/6/2011 

Cảnh sát đã phải giải tán những người dân Okinawa tập trung tại ba cửa dẫn vào căn cứ không quân Futenma ở thành phố Ginowan.

Trong cuộc đụng độ với cảnh sát, bốn người dân đã bị thương nhẹ và được đưa đến bệnh viện gần đó. Người dân Okinawa đã tổ chức biểu tình trước căn cứ Futenma từ ngày 26/9 để phản đối việc triển khai máy bay Osprey tới căn cứ này vì lo ngại về khả năng xảy ra tai nạn trong khi bay của loại máy bay này.

Xem trực thăng tàng hình mà đặc nhiệm SEAL đã sử dụng khi đột nhập vào dinh thự của Bin Laden  


Hải quân Trung Quốc tập trận ở biển Hoa Đông

Hôm 30/9 vừa qua, hạm đội Hoa Đông đã tổ chức diễn tập bắn đạn thật tại một địa điểm bí mật trên Biển Hoa Đông, Chinanews đưa tin.

Hãng tin Chinanews của Trung Quốc mô tả hàng loạt chiến hạm loại mới cùng những máy bay chiến đấu hiện đại nhất của nước này “rầm rộ xuất kích với sự chỉ huy thông qua hệ thống máy tính đồng bộ hóa”.

Hàng chục chiến đấu cơ loại mới xuất phát từ một sân bay ở vùng ven biển, thực hiện ném bom rải thảm vào mục tiêu trong chiến dịch chiếm lại đảo.

Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên Biển Hoa Đông 

Sau đó, các chiến hạm của Trung Quốc lần lượt bắn pháo vào hòn đảo được giả định là “địch đang chiếm đóng”, cùng lúc này, cano cao tốc chở binh lính lên chiếm đảo.

Phó Tổng tham mưu trưởng hạm đội Hoa Đông, ông Hàn Tiểu Hổ nói cuộc diễn tập này là "kết quả huấn luyện quan trọng trong hệ thống nhiệm vụ định kỳ hằng năm".

Hải quân và không quân Trung Quốc được giới thiệu là đã kết hợp tập luyện các bài tập quan trọng, trong đó chủ yếu là tập đổ bộ chiếm lại đảo.

Tuy nhiên, nguồn tin quân sự của Chinanews không tiết lộ về tên hòn đảo này. Trong khi đó, giới quan sát quân sự phương Tây nói Trung Quốc đang diễn tập với mục đích phô diễn sức mạnh hải quân với Nhật Bản.

Cuộc diễn tập bắn đạn thật của hạm đội Hoa Đông Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh quan hệ Trung – Nhật tiếp tục xấu đi vì tranh chấp liên quan quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Video: Hạm đội Hoa Đông, Trung Quốc tập trận bắn đạn thật 


Toàn thể bộ trưởng nội các Nhật Bản đã từ chức

Phát biểu trước báo giới, Chánh văn phòng Nội các Osamu Fujimura cho biết: "Trong phiên họp nội các đặc biệt hôm nay, Thủ tướng (Noda) đã thông báo với chúng tôi rằng ông sẽ tiến hành cải tổ nội các. Và toàn bộ các bộ trưởng nội các đã từ chức". Thủ tướng Noda đã chấp nhận đơn từ chức của tất cả các bộ trưởng nội các.

>>4 “bài toán khó” đang chờ Nội các Nhật Bản giải quyết
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda 

Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã hoàn tất danh sách nội các mới nhằm chuẩn bị cơ sở cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới, trong đó ông thay 10 bộ trưởng và giữ lại tám thành viên nội các cũ.

Trong các bộ trưởng mới được bổ nhiệm, cựu Ngoại trưởng Makiko Tanaka được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học.

Bà Tanaka được cho là có quan hệ tốt với các nhà lãnh đạo Trung Quốc vì cha bà, cố Thủ tướng Kakuei Tanaka, là người đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.

Sau Bạc Hy Lai, quý tử Bạc Qua Qua bị 'sờ gáy'?

Bản thân ông Bạc bị cáo buộc tội lạm dụng chức quyền, tham nhũng và có quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ.

Hôm 29/9, ông Bạc Hy Lai đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như bị bãi miễn tư cách đại biểu quốc hội để chuẩn bị ra hầu tòa.

Gia đình Bạc Hy Lai, Cốc Khai Lai và cậu ấm Bạc Qua Qua 

Theo đó, Bạc Hy Lai khả năng sẽ bị ‘xử nặng’ nếu cơ quan công tố có đầy đủ căn cứ để chứng minh ông này đã che giấu tội ác của vợ.

Thậm chí, chính trị gia họ Bạc còn phải lĩnh án tử hình hoặc tù chung thân nếu thực sự tham nhũng khoản tiền 6 triệu NDT và để các thành viên trong gia đình ăn hối lộ lên đến 3.2 triệu USD.

Liên quan tới việc xét xử ông Bạc, tờ China Times dẫn nguồn tin từ Bắc Kinh nói chính phủ Trung Quốc có thể sẽ triệu tập Bạc Qua Qua (con trai Bạc Hy Lai và Cốc Khai Lai) từ Mỹ về nước để thẩm tra.

Ngoại trưởng ASEAN nhận bản thảo COC

Báo Jakarta Post dẫn lời Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho hay ngoại trưởng các nước ASEAN vừa nhận được bản thảo Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).

Theo Jakarta Post, bản thảo này bao gồm các yếu tố nhằm ngăn chặn và kiểm soát xung đột trong vấn đề tranh chấp tại biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại cuộc gặp các ngoại trưởng ASEAN - Ảnh: State.gov 

Ông Natalegawa cho biết thêm các ngoại trưởng chưa có phản hồi vì cần thời gian nghiên cứu và họ sẽ góp ý cho tài liệu này trước khi Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra vào tháng 11.

“Nguyên tắc 6 điểm sẽ giúp giảm căng thẳng và tiến tới một COC toàn diện nhằm giải quyết tranh chấp mà không gặp tình trạng đe dọa, bị ép buộc hay dùng vũ lực”, báo The Philippine Star dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ nói.

Người dân Đài Loan lại biểu tình phản đối Nhật Bản

Ngày 30/9, gần 1.000 người đã xuống đường tuần hành qua các đường phố ở thành phố Đầu Thành, huyện Nghi Lan, miền Đông Bắc Đài Loan (Trung Quốc) để ủng hộ việc đòi chủ quyền của Đài Bắc đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku (Đài Loan gọi là Điếu Ngư Đài) đang do Nhật Bản kiểm soát.

Dân Đài Loan (Trung Quốc) xuống đường phản đối Nhật Bản  

Cuộc biểu tình được tổ chức sau khi hàng chục chiếc tàu đánh cá Đài Loan xuất phát từ huyện Nghi Lan đã đi vào vùng lãnh hải xung quanh các đảo tranh chấp hồi tuần trước.

Tàu tuần duyên Nhật Bản đã dùng vòi rồng xua đuổi tàu cá Đài Loan, khiến một đội tàu tuần duyên Đài Loan phản ứng, sử dụng vòi rồng phản công lại tàu Nhật.

Việt kiều Australia góp tiền xây trường ở Trường Sa

Hơn 12.000 USD là số tiền mà cộng đồng người Việt đang sinh sống ở Australia quyên được để đóng góp xây dựng một trường học trên quần đảo Trường Sa.

Chương trình gây quỹ xây trường học được tổ chức ở các thành phố Brisbane, Melbourne và Sydney của Australia.

Hôm 22/9, hơn 1.000 sinh viên người Việt ở Australia cũng tham gia vào một chương trình biểu diễn âm nhạc ở Sydney để bày tỏ tình yêu quê hương đất nước và gây quỹ cho chương trình "Vì học sinh Trường Sa thân yêu".

Các học sinh tại một lớp học ở Trường Sa 

Trường dự kiến được khởi công xây dựng vào tháng tới và hoàn thành vào tháng 3 năm sau. Trường có diện tích 300 mét vuông, gồm 6 phòng học cho các học sinh mầm non đến lớp 5, thư viện, phòng giáo vụ, hai phòng công vụ dành cho giáo viên, sân chơi, khu vệ sinh và bể chứa nước ngọt.

Tàu Đài Loan xuất hiện gần Điếu Ngư/Senkaku

Một tàu tuần tra Đài Loan được phát hiện tại vùng tiếp giáp lãnh hải mà Nhật quy định ở nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hôm nay, một tuần sau màn đấu vòi rồng quyết liệt.

Kyodo dẫn tin từ Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản (JCG) cho hay tàu tuần tra của chính quyền Đài Loan được phát hiện ở vị trí cách đảo Uotsuri, đảo lớn nhất trong nhóm đảo tranh chấp, khoảng 40 km về phía tây, lúc 9h05 giờ địa phương.

Tàu tuần duyên Đài Loan và Nhật Bản trong màn đấu vòi rồng ở vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư hôm 24/9 

Một tàu tuần tra của JCG đã dùng điện đàm cảnh báo tàu Đài Loan không thâm nhập vào lãnh hải Nhật Bản. Đáp lại, tàu trên tuyên bố đang bảo vệ các ngư dân Đài Loan trong "vùng đặc quyền kinh tế của Đài Loan".

Tàu tuần tra Nhật Bản sau đó tiếp tục theo dõi hoạt động của tàu Đài Loan, khi tàu này di chuyển theo hướng đông-đông nam vào vùng tiếp giáp lãnh hải của các đảo.

Video tàu Đài Loan xuất hiện gần Điếu Ngư/Senkaku 

Đỗ Hường (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn