• Zalo

Thấy gì qua mâu thuẫn giữa SCIC và các cổ đông Vinamilk?

Kinh tếThứ Tư, 06/05/2015 04:04:00 +07:00Google News

Phía sau những căng thẳng gay gắt tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) 2015 của Công ty CP Sữa Việt Nam (VNM) cho thấy những bất cập trong quản lý vốn Nhà nước cũng như hài hòa quyền lợi của các nhóm cổ đông, trong đó có cổ đông Nhà nước.

Phía sau những căng thẳng gay gắt tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) 2015 của Công ty CP Sữa Việt Nam (VNM) cho thấy những bất cập trong quản lý vốn Nhà nước cũng như hài hòa quyền lợi của các nhóm cổ đông, trong đó có cổ đông Nhà nước.

Bùng nổ những tranh cãi

Nếu VNM chỉ là doanh nghiệp nhỏ, làm ăn kém hiệu quả, câu chuyện sẽ không ầm ĩ và nóng như vậy. Song đây là doanh nghiệp sữa lớn nhất cả nước và luôn kinh doanh hiệu quả, đem lại nguồn lợi rất lớn cho cổ đông cũng như những người có quyền lực điều hành Công ty.
Dây chuyền sản xuất sữa hộp của Công ty CP Sữa Việt Nam. 

Và không phải đến 2 năm gần đây, mâu thuẫn giữa Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC), đơn vị quản lý vốn Nhà nước, hiện đang sở hữu 45% vốn tại Công ty và Hội đồng Quản trị mới bùng nổ.

Mâu thuẫn đã âm ỉ từ rất lâu, theo các nguồn tin từ hai doanh nghiệp, xuất phát từ những quan điểm quản trị doanh nghiệp khác nhau và sự tôn trọng cá nhân giữa những người lãnh đạo hai doanh nghiệp.

 

Đáng ra, với vai trò chiếm tới 45,05% vốn điều lệ, SCIC phải cùng tham gia và ủng hộ các chiến lược để phát triển công ty, theo hướng vì quyền lợi chung của Vinamilk và của các cổ đông, trong đó có quyền lợi của SCIC. Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp là tiền của Nhân dân, bởi vậy cần đưa ra giải pháp để doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả.
Chuyên gia kinh tế
Lê Đăng Doanh
 

Tại ĐHCĐ 2015, các đề xuất của SCIC bao gồm bầu thêm một thành viên độc lập vào Hội đồng quản trị (HĐQT), Trưởng ban kiểm soát phải làm việc chuyên trách tại công ty, sửa đổi điều lệ công ty với nội dung “việc đương nhiên mất tư cách thành viên HĐQT, ban kiểm soát trong trường hợp thành viên đó không còn được cử làm đại diện của cổ đông tổ chức” đã bị ĐHĐCĐ phủ quyết.

Nhân vật nổi lên rõ nhất trong những vấn đề trên là bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VNM.

Bà Liên hiện đang là 1 trong 3 người đại diện cho phần vốn Nhà nước, tức phần vốn mà SCIC quản lý. Song bà Liên hiện giờ không có được sự ủng hộ của SCIC.

Khi đưa ra đề xuất trên, có lẽ SCIC muốn rằng khi bà không còn đại diện cho phần vốn Nhà nước (bà Liên cũng đã qua tuổi nghỉ hưu), SCIC sẽ cử người khác thay thế. Trong trường hợp đó, bà Liên đương nhiên mất tư cách thành viên HĐQT.

Tuy nhiên, xét về thông lệ quản trị doanh nghiệp hiện đại, đề xuất này không phù hợp. Đứng ở góc độ quy định pháp lý của Luật doanh nghiệp, đề xuất này đã được luật sư có mặt tại Đại hội cho rằng không mấy hợp lý.

Bởi lẽ, thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát là do ĐHĐCĐ bầu ra, việc bãi miễn họ (nếu chưa hết nhiệm kỳ) cũng phải do ĐHĐCĐ thực hiện.

Bà Liên là người có tài, đã chèo lái VNM thành công và thực sự doanh nghiệp cũng chăm sóc cổ đông lớn rất tốt, mới có được sự ủng hộ của cổ đông như vậy. ĐHCĐ của VNM khép lại song dư âm của nó vẫn còn rất nhiều.


Hài hòa các lợi ích, cách nào?

Dư âm lớn nhất đặt ra là câu chuyện quản lý vốn Nhà nước làm sao để thực sự là bảo vệ quyền lợi của Nhà nước chứ không làm lợi cho bất cứ cá nhân nào. Diễn biến ĐHCĐ 2015 của Công ty CP Sữa Việt Nam khiến không ít nhà đầu tư lo ngại.

Liệu khi cuộc chiến này ngày một gay gắt có dẫn đến khủng hoảng nhân sự cấp cao tại VNM? Khi “trong không ấm”, liệu ban điều hành VNM có mất động lực để cống hiến, giúp doanh nghiệp có được kết quả kinh doanh tốt nhất?

Thực tế tại nhiều doanh nghiệp niêm yết đã cho thấy, trong giai đoạn bất ổn của doanh nghiệp, kết quả kinh doanh thường không đạt mức kỳ vọng và không phản ánh được hết tiềm năng mà doanh nghiệp có thể đạt được. Trong trường hợp của VNM, nếu mọi việc diễn biến không thuận lợi, cổ đông lớn nhất là Nhà nước hay nói đúng hơn ngân sách Nhà nước sẽ bị thiệt hại lớn nhất.


Ở vai trò là cổ đông lớn, SCIC rất đặc biệt vì là cổ đông Nhà nước, tức là hành động nhằm bảo vệ quyền lợi Nhà nước.

Tuy nhiên, trong các mối quan hệ với ban lãnh đạo doanh nghiệp, những người đã gắn bó cả cuộc đời họ cho doanh nghiệp, khó có thể vin vào quyền lực của một cổ đông lớn để xử lý các câu chuyện liên quan.

Làm gì để hài hòa được quyền lợi của các cổ đông, tiếp tục tận dụng được nguồn lực cao cấp tại VNM để đóng góp cho ngân sách và góp phần bình ổn thị trường sữa… là những câu hỏi đặt lên bàn trước các cổ đông lớn của VNM.

Khi câu chuyện không thể dàn xếp được, cơ quan quản lý Nhà nước phải vào cuộc là sự bất đắc dĩ.


Nếu không hài hòa được mối quan hệ này, quản lý vốn Nhà nước của SCIC sẽ gặp không ít thách thức.

Đơn cử, trước đây, SCIC và Ban điều hành Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) đã không có tiếng nói chung.

Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang muốn phát triển mảng lúa gạo để tạo thành chuỗi giá trị khép kín, hỗ trợ cho việc thúc đẩy phân phối thuốc bảo vệ thực vật thông qua mô hình cánh đồng mẫu lớn. SCIC lại đứng về phía một số cổ đông nước ngoài và không tán đồng chiến lược này.

Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang sau đó đã kiến nghị lên cơ quan quản lý và xin chuyển vốn Nhà nước từ SCIC về UBND tỉnh An Giang.

Thay vì “quan tâm sâu sắc” đến Vinamilk, SCIC nên chăng tập trung tham gia hỗ trợ DN, nhất là các TĐ, TCT xử lý nợ và tham gia tái cơ cấu DN.

Dư luận đã không ít lần lên tiếng về việc thoái bớt vốn Nhà nước tại Vinamilk, lấy tiền đó đầu tư cho y tế, giáo dục hay cơ sở hạ tầng bởi sữa không phải là lĩnh vực Nhà nước cần nắm quyền kiểm soát chi phối. Nhà nước không nên đầu tư vào ngành nghề, lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác có những lợi thế đầu tư.

Theo báo cáo tài chính của Vinamilk, năm 2014 số tiền mà công ty trả cổ tức cho SCIC là 1.502 tỷ đồng, tương ứng 30% tổng lợi nhuận của SCIC năm 2014.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành


Theo: Thảo Nguyên/KTDT
Bình luận
vtcnews.vn