Tối 7/2, UBND tỉnh Quảng Ninh ra công văn hỏa tốc số 788 yêu cầu dừng hoạt động kinh doanh vận tải khách công cộng liên tỉnh (cả đường bộ, đường thủy nội địa) ra, vào tỉnh, trừ các trường hợp đặc biệt, bắt đầy từ 6h ngày 8/2. Các trường hợp muốn rời khỏi Quảng Ninh phải được phép của thủ trưởng đơn vị, thực hiện khai báo y tế và có phiếu xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Công dân từ các tỉnh, thành về Quảng Ninh phải được cơ sở y tế địa phương kiểm tra, xác nhận.
Công văn này được ban hành chỉ hơn 1 ngày sau khi tỉnh cho phép các tuyến vận tải vận chuyển hành khách bằng đường bộ và đường thủy hoạt động trở lại từ 12h ngày 6/2. Trước đó, tỉnh ra quyết định dừng hoạt động vận tải hành khách nội tỉnh và liên tỉnh từ 6h ngày 28/1 để phòng chống COVID-19.
Những quyết định thay đổi xoành xoạch này khiến người dân chóng mặt, ngơ ngác, trở tay không kịp, khi nó liên quan đến một nhu cầu thiết yếu trong những ngày cuối năm này: Về quê ăn Tết.
Không chỉ Quảng Ninh, thành phố bên cạnh là Hải Phòng cũng hành động tương tự. Cách đây 3 ngày, vào tối thứ 6 ngày 5/2, nhiều người Hải Phòng đang sống, làm việc ở nơi khác tá hỏa khi nhận tin muốn về quê ăn Tết, họ phải có giấy xác nhận của UBND cấp xã tại nơi đi, nêu rõ lý do, lịch trình vào thành phố. Lệnh này được áp dụng từ 12h ngày 6/2. Trên mạng xã hội, nhiều người kêu trời khi không “xoay” được giấy, bởi các cán bộ tiếp dân nơi họ đến xin xác nhận trả lời rằng phường, xã không có mẫu giấy xác nhận như đòi hỏi của UBND thành phố Hải Phòng.
Rất may là hơn 1 ngày sau, sáng 7/2, UBND TP Hải Phòng ban hành công văn hỏa tốc điều chỉnh nội dung trên, không còn đòi hỏi giấy xác nhận của UBND cấp xã nơi đi nữa.
Những chỉ đạo tiền hậu bất nhất, thay đổi liên tục và một mình một kiểu như vậy khiến người dân chẳng những không kịp điều chỉnh các kế hoạch, không kịp xoay xở để đáp ứng mà còn có cảm giác như đang bị đùa bỡn, coi thường. Những quyết định chưa xuyên suốt khiến nhiều người lao động đến giờ này vẫn không biết liệu mình có thể về quê ăn Tết hay không. Công văn này cho đi, rồi công văn khác ra ngay sau đó lại không cho đi, trong khi dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát một cách chủ động, bài bản, các ổ dịch đã được khoá chặt.
Về giấy xác nhận âm tính với virus gây COVID-19, đêm 7/2 dân mới biết tin, sớm nhất sáng 8/2 (ngày 27 Tết) đi xét nghiệm, liệu bao giờ mới lấy được kết quả để về quê, nhất là khi ai nấy đều đổ xô đến, mà năng lực đáp ứng của cơ sở xét nghiệm cũng có hạn? Đó là chưa kể chi phí xét nghiệm tự nguyện, đối với công nhân, người lao động nghèo là một khoản không nhỏ.
Chống dịch là cần thiết, nhưng các biện pháp “không được làm quá”, “không được làm khó người dân”, đó là điều Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhắc đến trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch chiều 5/2, sau khi PGS.TS Trần Đắc Phu nêu vấn đề nhiều tỉnh “sợ nên làm quá, siết chặt” việc đi lại, để dân không dám về quê.
Cũng ngày hôm đó, do báo chí phản ánh về chuyện “ngăn sông cấm chợ” và cách ly y tế không phù hợp tại một số địa phương, Văn phòng Chính phủ có công văn 931/VPCP-KGVX truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu các tỉnh áp dụng biện pháp phòng chống dịch phù hợp với mức nguy cơ của từng khu vực, bảo đảm khoanh vùng, cách ly, phong tỏa ở phạm vi gọn nhất, hạn chế tối đa các tác động bất lợi đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân và sản xuất kinh doanh, nhất là hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất trong dịp Tết Nguyên đán.
Thế nhưng, một số tỉnh vẫn ra những công văn gây khó cho dân, sáng thế này chiều thế khác như vậy, khiến người dân vốn đã mệt mỏi trăm bề vì đại dịch, trong những ngày năm hết Tết đến này lại càng lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, đi cũng dở ở không xong.
Nhìn lại hơn một năm chống dịch COVID-19, có thể thấy nhiều địa phương “làm quá” trong việc kiểm soát người ra vào đến từ các tỉnh có ca bệnh. Tháng 4 năm ngoái, có thành phố ra công văn yêu cầu xe chở hàng hóa ra vào phải có giấy xác nhận do cơ quan CSGT cấp. Muốn làm hồ sơ xin cấp tờ giấy có hạn sử dụng chỉ vỏn vẹn 1 tuần này, dân phải được lãnh đạo UBND quận/huyện phê duyệt vào văn bản đề nghị. Các doanh nghiệp vận tải đổ dồn về cơ quan hành chính xin giấy xác nhận, do quá đông nên nhiều doanh nghiệp chờ cả ngày trời chưa xong. Hai ngày sau công văn trên, thành phố phải tạm dừng cấp giấy xác nhận này.
Ai cũng biết, việc kiểm soát người đi – đến những vùng có ca mắc COVID-19 là cần thiết, và khi ra các văn bản nói trên, địa phương đang thể hiện sự quyết liệt, quyết tâm của mình trong công tác chống dịch. Mục đích, chủ trương đều tốt, nhưng việc thực hiện và giải pháp cụ thể cần hợp lý, khoa học hơn, sao cho vừa đảm bảo chống dịch vừa giảm tối đa những phiền hà, mệt mỏi, tốn kém không cần thiết.
Để không còn tình trạng trên, lãnh đạo Chính phủ cần mạnh tay can thiệp, ngăn những hành động gây khó cho người dân, nhất là những ngày cận Tết này. Các bộ ngành liên quan cần có những quy định đồng bộ, hướng dẫn quy trình cụ thể để áp dụng thống nhất trong cả nước. Không thể để dân hằng ngày phải hồi hộp, nơm nớp hóng tin trên báo xem tỉnh A, tỉnh B có cho mình đi vào hoặc đi qua hay không. Khi có quy định thống nhất, người dân chỉ cần dựa vào chính tình huống của mình – có sống trong ổ dịch hay không, có tiếp xúc F1, F2… hay không - là có thể tự xác định.
Điều này không chỉ tiện cho dân mà công tác quản lý của các địa phương cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.
Bình luận