Ngày 31/12/2019, Trung Quốc chính thức thông báo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc xuất hiện các ca "viêm phổi lạ" tại Vũ Hán.
Từ những ca bệnh lẻ tẻ ban đầu, dịch bắt đầu bùng phát mạnh và lây lan tới khắp thủ phủ tỉnh Hồ Bắc trước khi lan rộng ra nhiều khu vực khác của Trung Quốc.
Các bệnh viện của Vũ Hán nhanh chóng rơi vào tình trạng quá tải. Các đội y tế từ khắp mọi miền Trung Quốc được điều động tới Vũ Hán để hỗ trợ thành phố này chống dịch.
Tới ngày 24/1, Vũ Hán bị áp lệnh phong tỏa. Hầu hết việc đi lại trong và ngoài thành phố bị tạm dừng. Một ngày sau đó, lệnh phong tỏa ở Trung Quốc mở rộng với 56 triệu dân. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo đất nước đang phải đối mặt với "một tình huống chết chóc".
Tuy nhiên, nhờ biện pháp "phong thành" nghiêm ngặt cùng tốc độ phản ứng nhanh nhạy, Trung Quốc nhanh chóng kiểm soát được các cụm dịch.
Ngày 8/4, hơn hai tháng sau ngày bị phong tỏa, Vũ Hán tái mở cửa. Nhiều địa phương sau đó cũng dỡ lệnh phong thành sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Cuộc sống bắt đầu trở lại bình thường với người dân Trung Quốc.
Trong nhiều tháng sau đó, một số cụm dịch nhen nhóm nổi lên nhưng nhanh chóng bị dập tắt nhờ công tác dập dịch mau lẹ.
Tuy nhiên, việc liên tục xuất hiện các cụm dịch nhỏ, lẻ khiến giới chức Trung Quốc xác định vaccine sẽ là chìa khóa vàng để ngăn chặn dứt điểm dịch bệnh.
Chiến dịch tiêm chủng thần tốc
Trung Quốc rục rịch chiến dịch tiêm chủng tới cuối năm 2020. Nhưng thành công trong việc ngăn chặn lây nhiễm trong cộng đồng cùng bóng ma về các bê bối vaccine trong quá khứ khiến nhiều người dân nước này không mặn mà lắm với việc tiêm chủng.
Quốc gia tỷ dân có xuất phát điểm khá chậm chạp. Tính đến cuối tháng 3/2021, tỷ lệ tiêm chủng ở Trung Quốc chỉ đạt khoảng 8 liều/100 người, thấp hơn nhiều so với 44 liều/100 người ở Mỹ và 50 liều/100 người ở Anh lúc đó.
Tới ngày 4/4/2021, quốc gia tỷ dân mới chỉ tiêm được 137,97 triệu liều vaccine. Con số này cách rất xa mục tiêu chích ngừa cho 40% dân số mà Trung Quốc đặt ra trước tháng 6.
Trước tâm lý ngần ngại của người dân, các địa phương Trung Quốc triển khai hàng loạt biện pháp để khuyến khích người dân đi chích ngừa, từ những phần quà, voucher mua sắm tới cả các biện pháp gây sức ép.
Các tấm áp phích kêu gọi dân đi tiêm chủng xuất hiện trên khắp các con phố ở Trung Quốc. Loa phóng thanh trong các công viên, địa điểm công cộng nhắc nhở người dân đi tiêm chủng để bảo vệ cho mình và người thân.
Các trung tâm tiêm chủng được thiết lập các vùng nông thôn, hẻo lánh để tiện cho người dân đi chích ngừa.
Các nỗ lực này cùng với việc bùng phát một số ổ dịch rải rác khiến người dân Trung Quốc đổ xô đi tiêm chủng từ cuối tháng 5.
Chỉ trong 5 ngày cuối tháng 5, Trung Quốc tiêm 100 triệu liều cho dân. Tốc độ tiêm chủng đáng kinh ngạc này tiếp tục được duy trì.
Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc mất 25 ngày để tăng từ 100 triệu liều lên 200 triệu liều, 16 ngày để tăng từ 200 triệu lên 300 triệu và 6ngày từ 800 triệu lên 900 triệu liều.
Tới ngày 21/6, Trung Quốc hoàn thành việc tiêm chủng hơn 1 tỷ liều vaccine COVID-19. Con số này chiếm gần 40% trong số 2,5 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn cầu khi đó.
Tính tới ngày 1/8, quốc gia tỷ dân tiêm hơn 1,6 tỷ liều vaccine cho dân - một con số khó tin nếu nhìn lại chiến dịch tiêm chủng chậm chạp ban đầu của nước này.
Các chuyên gia cũng dự đoán Trung Quốc sẽ là 1 trong 2 nước châu Á, cùng với Singapore, đạt miễn dịch cộng đồng trước cuối năm nay.
Liệu kỳ tích có được duy trì?
Khi Trung Quốc bắt đầu mơ tới kịch bản đạt miễn dịch cộng đồng, biến chủng Delta xuất hiện. Từ các ca bệnh tại ổ dịch ở sân bay Hà Khẩu, Nam Kinh, dịch bệnh giờ lan ra 20 thành phố ở Trung Quốc.
Khi cụm dịch ở Nam Kinh có dấu hiệu được khống chế, một số cụm dịch khác bắt đầu nổi lên và trở thành nỗi lo mới.
Tại Trương Gia Giới, giới chức địa phương phải thu thập thông tin của 70.000 người liên quan tới cụm dịch tại một nhà hát có sức chứa lên tới 2.000 người. Nhiều thành phố khác xét nghiệm cho hàng triệu dân và áp đặt các hạn chế đi lại mới để ngăn chặn virus lây lan.
Theo các chuyên gia, đợt bùng phát COVID-18 lớn nhất ở Trung Quốc sau nhiều tháng tại Nam Kinh là phép thử với chiến lược dập dịch và chương trình tiêm chủng ở nước này.
Trung Quốc ban đầu đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng. Nhưng khi các dữ liệu cho thấy các loại vaccine đang lưu hành cho hiệu quả không quá cao, giới chức Trung Quốc phải điều chỉnh con số 70% lên 80-85%.
Với sự xuất hiện của biến thể Delta, Trung Quốc đang cân nhắc kế hoạch tiêm liều vaccine COVID-19 thứ ba cho những người dễ bị tổn thương.
“Từ những quan sát ban đầu, chúng tôi nhận thấy chưa cần tiêm liều tăng cường cho đại bộ phận dân chúng tiêm đủ liều trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, đối với người cao tuổi có hệ miễn dịch kém hơn hay người có bệnh lý nền, cũng như những người phải đi công tác tại khu vực có nguy cơ cao hay các nhân viên có nguy cơ lây nhiễm cao, chúng tôi đang nghiên cứu về nhu cầu cần thiết tiêm mũi thứ ba cũng như thời điểm để tiêm mũi thứ ba”, Shao Yiming, chuyên gia bệnh lây nhiễm tại Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) cho biết hôm 31/7.
Trong trường hợp triển khai mũi vaccine thứ 3, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phải tính toán lại chiến lược tiêm chủng hiện tại. Chưa kể nước này sẽ cần có những điều chỉnh trong trường hợp có thể xuất hiện nhiều biến thể nguy hiểm hơn cả Delta trong tương lai.
Với tiềm lực y tế hùng hậu như hiện tại, nền kinh tế thứ hai thế giới hoàn toàn có khả năng triển khai các chiến lược các liều tiêm vaccine bổ sung.
Nhưng câu hỏi đặt ra hiện tại là Trung Quốc sẽ cùng lúc đối phó với biến thể Delta và đẩy mạnh chiến lược tiêm chủng thế nào. Và liệu thành tích tiêm chủng của Trung Quốc được duy trì hay không khi nước này buộc phải tiêm thêm mũi thứ 3 cho một số nhóm đối tượng.
Bình luận