• Zalo

Thăng trầm 'nghề của người giàu'

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 22/08/2022 09:50:35 +07:00Google News

Trải qua nhiều thăng trầm, nghề nuôi cá lồng bè ở ĐBSCL vẫn đóng góp lớn cho ngành nuôi trồng thủy sản và câu nói "muốn giàu nuôi cá" của người xưa giờ vẫn đúng.

Theo các tài liệu, nghề nuôi cá lồng bè xuất hiện ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bắt đầu từ những lồng bè của ngư dân Châu Đốc (tỉnh An Giang) ở đầu nguồn sông Cửu Long rồi lan tỏa ra khắp các địa phương có 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu đi qua.

Vụ đầu đã có lãi

Nơi đầu nguồn sông Hậu, hàng ngàn chiếc bè cá của ngư dân đang oằn mình chống chọi với mưa dông và dòng nước lũ chảy xiết.

Thăng trầm 'nghề của người giàu' - 1

Anh Phan Thanh Phú bên chiếc bè nuôi cá lớn nhất ĐBSCL

Anh Phan Thanh Phú (43 tuổi) vừa loay hoay chằng chống 2 cái bè dưới cơn mưa như trút nước, vừa nói: "Đây là lồng bè lớn nhất ở ĐBSCL cho đến lúc này. Bè rộng 10m, dài 20m, toàn bằng gỗ sao. Cha tôi đóng với tổng chi phí hơn 1 tỉ đồng vào thời điểm hơn 30 năm trước. Cho nên hồi ấy, chỉ người có tiền mới có khả năng đầu tư nuôi cá bè, vì vốn liếng phải tự bỏ ra, không có tổ chức tín dụng nào hỗ trợ nghề này cả. Cha tôi phải rất tự tin vào kỹ thuật nuôi cá của bản thân mới dám mạnh dạn đầu tư lớn như vậy".

Anh Phú bảo sau khi đóng chiếc bè này, vụ nuôi cá đầu tiên cha anh đã thu hồi vốn đầu tư, thậm chí có lãi. Thời điểm đó, kinh tế đất nước chưa phát triển như bây giờ, nông thôn nhiều nơi còn nghèo và lạc hậu, vậy mà ở cù lao heo hút này, người nào nuôi cá lồng bè cũng đều thành tỉ phú.

Nghề nuôi cá lồng bè xuất hiện ở ĐBSCL vào năm 1968, do những ngư dân Việt kiều từ Campuchia về Châu Đốc. Ban đầu, ngư dân chỉ nuôi cá bằng bè tre lồ ô theo kiểu mẫu của Campuchia. Người ta kết từng thân tre dài hàng chục mét lại theo hình thuyền để dễ di chuyển đến phố chợ bán lẻ. Sau này, ngư dân cải tiến sang thuyền hình chữ nhật nhằm mở rộng thể tích nuôi cá.

Để làm được chiếc bè có diện tích gần 200m2, gắn liền với chiếc lồng nằm dưới lòng sông có thể tích từ vài chục đến hơn 100m3, phải cần đến 2.400 cây tre dài.

Thăng trầm 'nghề của người giàu' - 2

Nghề nuôi cá bè mỗi năm đóng góp hàng triệu tấn thủy sản cho ĐBSCL Ảnh: DUY NHÂN

Nghề nuôi cá bè phát triển mạnh vào khoảng năm 1974-1977, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh An Giang lúc bấy giờ. Chỉ tính riêng ở Châu Đốc thời điểm này có đến hơn 7.000 bè, sản lượng trên 70.000 tấn cá/năm.

Sau này ngư dân đóng bè bằng gỗ sao, gỗ bên… có độ bền cao khi đưa xuống nước. Lồng bè thiết kế bằng lưới inox theo dạng hình hộp chữ nhật, cố định bởi hệ thống neo và hệ thống phao bằng thùng phuy hoặc ống nhựa composite bịt kín 2 đầu. Phía trên bè cất nhà có đầy đủ phương tiện sinh hoạt. Giá đầu tư của một bè gỗ có thể từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng. Vì thế, nuôi cá lồng bè luôn được coi là nghề dành cho những người có tiền.

Đứng sau An Giang là Đồng Tháp, tất cả các tỉnh, thành còn lại của ĐBSCL cũng đều quan tâm phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên sông, trên biển..., hằng năm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu hàng triệu tấn.

Chấp nhận rủi ro

Mặc dù đã xuất hiện hơn nửa thế kỷ, tạo sinh kế và làm giàu cho bao thế hệ cư dân vùng sông nước, đồng thời góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của nghề nuôi trồng thủy sản tại ĐBSCL, song nghề nuôi cá bè tồn tại và phát triển đến hôm nay hầu như nhờ vào ý chí, kinh nghiệm và sáng tạo của ngư dân. Ngành chức năng các địa phương chủ yếu là quản lý, quy hoạch và tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân kéo điện nước sinh hoạt.

"Kỹ thuật nuôi cá là từ những người có kinh nghiệm truyền thụ cho người ít kinh nghiệm. Giá cả đầu vào, đầu ra phụ thuộc vào thương lái và thị trường. Nói chung là ngư dân đều "tự bơi" trong mọi hoàn cảnh. Nghề này cũng không được các tổ chức tín dụng hỗ trợ vay vốn, bởi hầu hết các ngân hàng đều không cho rằng chiếc bè cá là một dạng tài sản thế chấp. Đối với ngư dân, chiếc bè là tài sản có giá trị lớn, có thể chuyển nhượng cho nhau giá bạc tỉ nhưng đối với ngân hàng thì không có giá trị gì. Cho nên, mỗi khi thất bại, những ngư dân không có tiền dự phòng phải vay bên ngoài lãi suất cao. Phần lớn bị phá sản bởi nguyên nhân này", ngư dân Phan Thanh Phú bộc bạch.

Dẫu vậy, ngư dân nơi đây vẫn luôn lạc quan với nghề nuôi cá bè. Họ quan niệm sống giữa sông nước mênh mông này không làm nghề gì khả thi hơn nuôi cá.

"Nghề này ngoài kỹ thuật, kinh nghiệm, đôi khi phải chấp nhận rủi ro như thời tiết, môi trường và thị trường. Nhưng dù lúc thăng lúc trầm thì điều quan trọng là phải bền bỉ, chấp nhận làm lại từ đầu không nuối tiếc. Nhiều người vì muốn nôn nóng gỡ lại hoặc ám ảnh vì thua lỗ thường tính toán những bước đi sai lầm, không thực tế dẫn đến phá sản. Nghề nuôi cá không làm người ta nghèo đi được mà do chính người nuôi cá tự làm mình nghèo mà thôi", anh Phú quả quyết.

Theo anh, nghề nuôi cá phát triển mạnh trên bờ vì nuôi được số lượng lớn, dễ xử lý các khâu kỹ thuật hơn so với nuôi cá lồng dưới sông. Sản lượng nuôi cá trong ao cũng cao hơn nhưng phải có nhiều đất. Mỗi phương thức đều có bất lợi riêng. Vấn đề người nuôi cá quan tâm hàng đầu hiện nay chính là giá vật tư đầu vào, rồi mới đến mối lái, giá cả…

Thăng trầm 'nghề của người giàu' - 3

Nghề nuôi cá lồng bè ở ĐBSCL đang là mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững

Ví như, giá thức ăn cho cá hiện tăng gấp đôi so với giá bình quân trong nhiều năm trước. Ngoài ra, giá vật tư như thùng phuy, ống nhựa, các nhu yếu phẩm đều tăng gần gấp đôi, trong khi giá cá thì vẫn bình ổn, đôi khi dao động nhẹ nhưng thường giảm nhiều hơn tăng.

Từ lâu, người nuôi trồng thủy sản ở khắp ĐBSCL đã quen phụ thuộc vào thương lái. Họ sống được cũng nhờ thương lái mà có khi "ngậm trái đắng" cũng bởi thương lái. Theo những ngư dân nhiều kinh nghiệm, thương lái mua cá có vô số chiêu trò để trục lợi trên mồ hôi nước mắt của bà con.

"Thủ đoạn thường thấy là họ chê cá bị vàng, bệnh, phải bồi dưỡng thuốc và thức ăn một thời gian mới mua được giá cao. Họ làm vậy là để bán thuốc và thức ăn cho ngư dân nhằm hưởng lợi nhuận tiền thuốc, tiền thức ăn. Ngư dân lẽ ra đã bán được cá thì bỗng nhiên phải gánh thêm chi phí. Ác hơn là họ đánh thuốc cho cá ngợp, rồi ép giá. Ngư dân không có quyền lựa chọn vì không bán kịp cá sẽ chết. Tuy nhiên, lúc này thương lái đã móc nối với một số người ở nhà máy chế biến để đưa cá vào kịp thời với giá cá còn sống. Ngoài ra, thương lái còn giả vờ không mang đủ tiền mặt thanh toán để ngư dân sợ bị quỵt tiền mà không dám bán. Rồi họ cho người khác ra mặt, mang theo đủ tiền mặt nhưng trả giá thấp hơn. Vì an toàn nên ngư dân chấp nhận bán với giá không như mong đợi để nhận tiền mặt", anh Phú nói.

Phá thế độc canh

Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang, cho biết hiện tổng số lồng bè nuôi thủy sản trên sông ở An Giang còn gần 6.000 cái, sản lượng gần 100.000 tấn cá/năm, trị giá trên 3.000 tỉ đồng. Các khu vực nuôi tập trung nhiều hiện nay là ngã ba sông giáp ranh của các địa phương như An Phú, Châu Đốc, Tân Châu, Phú Tân; đoạn sông Hậu thuộc huyện Châu Phú, Châu Thành, An Phú, TP Long Xuyên; đoạn sông Tiền thuộc huyện Tân Châu; các khúc sông Kênh Xáng, sông Cái Vừng…

Nghề nuôi thủy sản lồng bè đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nuôi, đóng góp giá trị lớn cho ngành thủy sản và phát triển kinh tế - xã hội nói chung cho tỉnh An Giang.

"Hồi đó, chưa nắm được kỹ thuật, thuốc men hạn chế nên nguồn cá hao hụt nhiều, hiệu quả không cao nhưng lại kiếm ăn được. Bởi lẽ, ít người nuôi nên cá bán được giá. Về sau, thấy con cá hú, cá ba sa nuôi được, nhiều người chạy theo cưa cây đóng bè nuôi cá. Có năm giá cá xuống thấp khiến hàng loạt hộ phải treo bè", ông Nguyễn Văn Thuận (52 tuổi), chủ 6 bè nuôi cá ở xã cù lao Mỹ Hòa Hưng (TP Long Xuyên), nhớ lại.

Qua những thất bại, ngư dân dần rút ra được kinh nghiệm là không thả nuôi độc nhất cá tra mà đa dạng con giống. Họ chọn những con cá dễ nuôi và có đầu ra, như cá he, cá mè hôi, cá éc...

Ông Thuận cho biết tránh trường hợp nuôi đồng loạt cá dễ bị dội chợ, ế hàng, ông thả nuôi mỗi bè cách nhau từ 1-2 tháng. Với cách nuôi xoay vòng như vậy, năm nào bè cá của ông Thuận xuất bán cũng đạt được giá cao. Với 6 bè diện tích từ 70-80 m2, mỗi năm ông Thuận cung ứng ra thị trường gần 100 tấn cá các loại, lợi nhuận hàng tỉ đồng. 

UBND tỉnh An Giang đánh giá thời gian qua, công tác quản lý nghề nuôi thủy sản lồng bè đã được các sở, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền trong công tác quản lý nghề nuôi thủy sản lồng bè. Theo định hướng của tỉnh, nuôi bè cần được kiểm soát về số lượng, khu vực nuôi, kỹ thuật nuôi để bảo đảm các vấn đề liên quan như chất lượng môi trường nước, dịch bệnh, giao thông, cảnh quan… và hiệu quả kinh tế. Cần thiết phải lập đề án "Sắp xếp lồng bè nuôi thủy sản tỉnh An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045" để xây dựng các phương án phát triển và các giải pháp, tiêu chí nhằm phát triển nghề nuôi bè của địa phương theo hướng hiệu quả, bền vững trong tương lai.

 

(Nguồn: Báo Người Lao Động)
Bình luận
vtcnews.vn