Đề án được xây dựng dựa trên những kế thừa và kết quả của “Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng giai đoạn 2018 - 2020”, đồng thời hướng đến các mục tiêu dài hạn trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà Đảng và Nhà nước đã đạt trong những năm vừa qua.
Theo đánh giá của các chuyên gia, khi đề án được triển khai thực hiện, không chỉ các doanh nghiệp tham gia đề án được hưởng lợi mà người tiêu dùng cũng như cộng đồng cũng sẽ có những lợi ích không nhỏ. Cụ thể, doanh nghiệp được tuyên truyền phổ biến về chương trình và bộ tiêu chí đánh giá doanh nghiệp vì người tiêu dùng; được hướng dẫn, hỗ trợ điều chỉnh hoạt động kinh doanh nhằm nâng cao thang điểm được đánh giá theo quy định tại bộ tiêu chí, từ đó doanh nghiệp được người tiêu dùng ghi nhận, tin tưởng.
Trong khi đó, với người tiêu dùng, đề án giúp họ được tham gia giám sát doanh nghiệp thực hiện chương trình; phản ánh thực trạng hoặc đóng góp ý kiến về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp; được hưởng các quyền và lợi ích cao hơn khi mua và sử dụng các hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp tham gia vào chương trình sau khi doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn áp dụng các biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh hướng đến vì người tiêu dùng.
Chị Phạm Thị Mỹ Hạnh (Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, là người tiêu dùng nên chị rất quan tâm đến quyền lợi của bản thân và những thành viên trong gia đình. Do vậy, khi Bộ Công Thương triển khai Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng giai đoạn 2021 - 2025, chị rất phấn khởi và tìm hiểu kỹ để có những giải pháp khi mua sắm hàng hóa, thực phẩm, tự bảo vệ quyền lợi của mình.
"Trước đây, nếu không may sản mua phải phẩm kém chất lượng thì chỉ có giải pháp là mua lại sản phẩm khác hoặc đổi nhưng phải bù tiền chênh lệch. Nay nắm được các thông tin, tiêu chí trong Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng, tôi biết mình đã được bảo vệ quyền lợi nhiều hơn trước", chị Hạnh nói.
Theo chị Hạnh, chị rất tin tưởng khi thấy đề án được thực hiện bởi các cơ quan Nhà nước từ cấp Trung ương tới địa phương, trong đó Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương được giao là đơn vị chủ trì.
Ngoài ra, các đơn vị phối hợp không chỉ giới hạn trong Bộ Công Thương mà còn là các đơn vị ngoài Bộ Công Thương như Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Sở Công Thương); tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và Hội Bảo vệ người tiêu dùng tại các địa phương trong cả nước); các hiệp hội doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có liên quan.
“Điều này cho thấy sự vào cuộc rất tích cực của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Từ bây giờ, khi mua phải sản phẩm hàng hoá kém chất lượng thì ngoài phản ánh với nhà cung cấp, người tiêu dùng đã có địa chỉ của cơ quan chức năng để phản ánh. Tôi hy vọng, với sự vào cuộc này, người tiêu dùng sẽ được bảo vệ quyền lợi hợp pháp một cách tích cực nhất”, chị Hạnh nói.
5 nhóm nhiệm vụ cụ thể của Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng gồm: Xây dựng dộ tiêu chí doanh nghiệp vì người tiêu dùng; Xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho các hoạt động của đề án; Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng và cộng đồng xã hội về chương trình doanh nghiệp vì người tiêu dùng; Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tham gia; Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng đáp ứng bộ tiêu chí doanh nghiệp vì người tiêu dùng.
Bình luận