Nguồn : VTC 14
Thông thường, từ Hà Nội đến Tacloban chỉ mất khoảng nửa ngày nhưng không chỉ sân bay Tacloban mà toàn bộ các sân bay trong phạm vi 200km từ thành phố này, bao gồm Cartaman, Calbayog… cũng đang phải đóng cửa do ảnh hưởng của bão Haiyan.
Vì vậy, cách duy nhất để tiếp cận Tacloban là đi máy bay từ Manila đến Cebu rồi đi phà hoặc tàu cao tốc sang đảo Leyte, sau đó bắt xe buýt đến Tacloban. Tổng quãng đường này khoảng hơn 150km. Và từ Hà Nội thì nhanh nhất phải một ngày rưỡi mới tới nơi.
Hôm 9/11 Tổng thống Philippines Aquino cũng phải đi máy bay đến Cebu rồi dùng máy bay quân sự sang Tacloban.
Phóng viên Việt Nam mắc kẹt
Do nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng cứu trợ lớn nên hiện tuyến đường này đang bị quá tải. Nhiều phóng viên, nhà báo, trong đó có phóng viên Việt Nam vẫn đang bị kẹt đến 2-3 ngày tại Cebu hoặc cảng Ormoc trên đảo Leyte mà chưa thể tiếp cận thành phố Tacloban.
Ngày hôm qua, sân bay Tacloban – vốn bị phá hủy nghiêm trọng cũng đã mở cửa trở lại phục vụ các chuyến bay thương mại, mặc dù chỉ là những máy bay cánh quạt cỡ nhỏ. Sẽ phải mất vài ngày hoặc thậm chí là vài tuần để sân bay Tacloban có thể chấp nhận những máy bay to hơn như Airbus 320 hoặc Boeing B737 bởi cột liên lạc và thiết bị radar đã bị phá hủy hoàn toàn.
Chính quyền địa phương tê liệt
Trên trang nhất của tờ The Philippines Star, tờ báo lớn nhất của nước này đăng tải thông tin về việc tổng thống Aquino ban bố tình trạng thảm họa quốc gia vào ngày hôm qua. Việc ban bố tình trạng thảm họa, theo ông Aquino sẽ giúp nước này dành nhiều hơn nữa cho các nỗ lực cứu trợ nạn nhân thiên tai thay vì việc cứu trợ chỉ được tiến hành ở cấp địa phương. Đồng thời, đẩy nhanh các nỗ lực cứu hộ, phân phát hàng cứu trợ và khắc phục hậu quả khu vực bị bão Haiyan tàn phá.
Ông Aquino cũng thừa nhận chính quyền một vài địa phương hiện đã bị tê liệt sau khi bão đổ bộ dù đã triển khai công tác chuẩn bị, khiến thiệt hại để lại là vô cùng nặng nề và tình hình trở nên rối loạn. Tuy nhiên, theo người đứng đầu chính phủ Philippines, tình hình ở thành phố Tacloban lúc này vẫn đang trong tầm kiểm soát và việc ban hành thiết quân luật là không cần thiết.
Ban bố bình ổn giá
Tổng thống Philipines cho biết đã có 22 nước cam kết hỗ trợ với tổng số tiền đến thời điểm này là 18,2 tỷ Peso (tương đương hơn 400 triệu USD).
Ông Aquino cũng thông qua khoản chi 1,1 tỷ Peso, tương đương hơn 25 triệu USD cho quỹ hành động khẩn cấp của Bộ phúc lợi xã hội và phát triển của nước này.
Chính phủ của tổng thống Aquino cũng đã ban hành quy định về việc bình ổn giá với các mặt hàng thiết yếu bao gồm: gạo, ngô, bánh mỳ, cá tươi, cá khô và cá hộp; hải sản, thịt, trứng, sữa, rau, ca phê, đường, muối… Mức giá cụ thể sẽ được ban hành trong hôm nay hoặc chậm nhất là vào ngày mai.
Chính sách bình ổn giá sẽ kéo dài tối đa là 60 ngày, trừ phi được ông Aquino dỡ bỏ.
Hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đã bày tỏ mong muốn sẵn sàng phối hợp với chính phủ trong việc đảm bảo phân phát hàng nhu yếu phẩm cho người dân những vùng bị ảnh hưởng.
Trong khi đó thì chủ tịch Hiệp hội siêu thị Philipines cho biết, một số thành viên đã quyết định mở cửa trở lại trong ngày hôm nay sau 3 ngày đóng cửa dù đến hôm nay ở đây vẫn chưa có điện. Một số hàng hóa sẽ được chuyển sang từ thành phố đảo Cebu cách đó khoảng 150km.
La liệt xác chết đang phân hủy
Đến thời điểm này vẫn chưa có con số chính xác được công bố bởi chính phủ Philippines về số người thiệt mạng trong bão Haiyan, mặc dù trước đó cảnh sát trưởng thành phố Tacloban lo ngại có thể là 10,000 người. Tuy nhiên, theo đại sứ Phi tại LHQ, tính đến hôm nay (12/11) đã ghi nhận 1,774 người chết.
Mặc dù xác người chết vẫn đang nằm la liệt đầy đường và bắt đầu phân hủy nhưng đại diện của Bộ Y tế nước này cho biết, chưa cần vội mai táng các nạn nhân vì nguy cơ ảnh hưởng không lớn. Dự kiến các nạn nhân sẽ được mai táng trong một hố chôn tập thể, nhưng phải sau khi Cơ quan điều tra quốc gia xác định được danh tính. Bởi đến thời điểm này, nhiều người vẫn chưa biết thân nhân của mình bị mất tích hay là đã chết. Bộ Y tế nước này cũng đang lên kế hoạch về việc tổ chức mai táng tập thể.
Áp thấp nhiệt đới đe dọa
Tờ báo lớn nhất Philipines cũng đưa lên đầu trang thông tin cảnh báo về áp thấp nhiệt đới Zoraida đang hướng vào khu vực miền Trung nước này, nơi vừa bị tàn phá nặng nề bởi bão Haiyan. Áp thấp nhiệt đới được dự báo sẽ gây mưa lớn cho đảo Mindanao, sau đó tiến về khu vực đảo Leyte. 30 khu vực trên đảo này đang được cảnh báo nguy cơ bão. Như vậy là công tác cứu trợ vốn đã gặp nhiều khó khăn vì thời tiết thì trong những ngày tới sẽ còn khó khăn hơn.
Tờ Philipine Star cũng đưa trên trang đầu của phần thế giới thông tin và hình ảnh về bão Haiyan đổ bộ vào Việt Nam và gây thiệt hại nặng nề tại tỉnh Quảng Ninh…
100 người Việt co cụm chờ tiếp tế
Liên quan đến những người Việt Nam tại vùng bị ảnh hưởng bởi bão Haiyan, trao đổi với chúng tôi chiều nay, đại diện ĐSQ Việt Nam cho biết, khu vực quanh Tacloban có khoảng 100 người Việt Nam, trong đó nhóm bị ảnh hưởng khoảng 20-30 người. Đây phần lớn là lao động tự do, không khai báo nên khó quản lý. Hiện chưa có báo cáo về người Việt thiệt mạng. Nhưng nhiều người đang sống co cụm và mong chờ tiếp tế đồ ăn, thức uống.
Dù vậy thì đến cuối giờ chiều nay, việc hỗ trợ của ĐSQ cho cộng đồng Việt Nam ở Tacloban vẫn chưa thể tiến hành do chưa có phương tiện, mà phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ phương tiện của Bộ Quốc phòng Philippines.
Trên chuyến bay từ TP.HCM đến Manila, phần lớn các vị khách, dù là người nước ngoài hay Philippines đều tập trung vào những thông tin này, dù thông thường khách nước ngoài ít chú ý đến tin tức của báo địa phương sở tại. Nhưng lần này thì khác.
L.P
Bình luận