Vaccine COVID-19 đã bắt đầu được đưa đến một số quốc gia nghèo trên thế giới, một phần lớn là nhờ COVAX, sáng kiến được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hậu thuẫn nhằm đảm bảo vaccine được phân phối công bằng trên toàn cầu.
Nhưng khi những liều vaccine này về đến sân bay, mỗi quốc gia phải chi trả cho việc phân phối, bao gồm cả tiền lương cho nhân viên y tế thực hiện các mũi tiêm. Tại một số quốc gia, nguồn tài chính đó không có sẵn.
Chương trình phân phối vaccine mà COVAX đã cung cấp cho đến nay dù đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung và kinh phí, nhưng vẫn có thể quản lý được. Về mặt lý thuyết, các quốc gia có nhu cầu vaccine có thể xin hỗ trợ phân phối từ các nhà tài trợ bao gồm Ngân hàng Thế giới và Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế công cộng cho biết nhiều quốc gia thu nhập thấp đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các nhân viên y tế được đào tạo và được trả lương trong một vài tháng tới, theo The Washington Post.
“Có sự hiểu lầm rằng vaccine của COVAX sẽ được gửi đến các quốc gia và đảm nhận luôn việc phân phối ra cộng đồng của nước đó. Các quốc gia chỉ nhận chúng tại sân bay và đó là lúc trách nhiệm của COVAX kết thúc”, Ayoade Alakija, đồng chủ tịch của liên hiệp phân phối vaccine của Liên minh Châu Phi, cho biết.
Bà Ayoade Alakija cũng lo lắng về việc nguồn lực còn đang hạn chế sẽ được phân bổ như thế nào. Nhiều quốc gia châu Phi có “số lượng nhân viên y tế tính trên đầu người thấp đáng kinh ngạc”, bà cho biết thêm. “Nếu chúng tôi điều động tất cả họ cho việc tiêm chủng, những mối lo ngại sức khoẻ khác sẽ bị ảnh hưởng”.
Đối mặt với rủi ro
David Bryden, Giám đốc của Frontline Health Workers Coalition, cho biết việc triển khai vaccine COVID-19 sẽ phải mất tới 10 năm ở một số quốc gia nghèo, nếu chỉ dựa vào năng lực của nhân viên y tế như hiện nay. Các nhà hoạch định chính sách cần phải xem xét không chỉ số lượng nhân viên có sẵn để thực hiện việc tiêm chủng mà còn cần phải đào tạo thêm và tăng phụ cấp cho họ, đồng thời tiến hành tiếp cận cộng đồng để xoá đi sự do dự về loại vaccine mới này.
Toàn cầu đã và đang phải đối mặt với sự thiếu hụt lớn nhân viên y tế khi đại dịch xảy ra, làm gia tăng thêm sự căng thẳng trong tình thế này. Theo ông Bryden, ít nhất 84 quốc gia đã diễn ra các cuộc đình công trong lĩnh vực y tế vì điều kiện làm việc tồi tệ.
Trên thế giới, phụ nữ chiếm ưu thế trong công việc chăm sóc sức khỏe, nay phải gánh chịu hậu quả bất bình đẳng của vấn đề thiếu nhân sự trong cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Khoảng cách về vấn đề chăm sóc sức khỏe đặc biệt rõ rệt ở các nước nghèo tại châu Phi. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, các cộng đồng ở châu Phi cận Sahara chỉ có 0.2 bác sĩ cho 1.000 người, trong khi đó tỷ lệ là 2,6 ở Bắc Mỹ, 3,7 ở châu Âu và 1,6 trung bình trên toàn thế giới. Các nhân viên y tế cộng đồng tại đây không được trả lương hoặc trả lương thấp, và phụ nữ phải làm nhiều công việc hơn.
Kể từ khi chương trình tiêm chủng được bắt đầu cách đây ba tháng, hầu hết các mũi tiêm được thực hiện ở các nước giàu có và phương Tây, những nước với số lượng đặt mua trước đã chiếm ưu thế trong nguồn cung cấp vaccine. WHO đang thúc giục các chính phủ ưu tiên tiêm chủng cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe.
Trong khi COVAX có mục đích giúp việc phân phối vaccine công bằng, việc tập trung để cung cấp đủ liều lượng đến các quốc gia đã làm lu mờ các yếu tố khác gây hạn chế khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe, theo bà Emily Bancroft - Chủ tịch của Village Reach, một tổ chức có trụ sở tại Seattle tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe cho các cộng đồng thu nhập thấp ở Châu Phi.
“Những gì chúng tôi đang thấy bây giờ là có kỳ vọng trong việc phân phối vaccine với lực lượng lao động hiện có và các hệ thống hiện có", bà Bancroft cho biết.
Đó không phải là trường hợp của Hoa Kỳ, quốc gia đã nỗ lực để mở rộng quy mô phân phối vaccine, và sẽ không xảy ra đối với các quốc gia không có quỹ tiết kiệm cho trường hợp thiếu hụt nguồn thu hoặc thâm hụt ngân sách.
“Vaccine không thể tự thực hiện tiêm chủng mà các nhân viên y tế sẽ phải làm điều đó", bà nói thêm. “Mối quan tâm duy nhất của chúng tôi ngay bây giờ là sự gia tăng năng lực".
Hạn chế về nguồn tài chính
Trước khi nhận được sự phân phối vaccine từ COVAX, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình phải đệ trình Kế hoạch Triển khai Tiêm chủng Quốc gia để nêu chi tiết về ý định triển khai của họ.
Vào giữa tháng 1, COVAX phải loại bỏ một số yêu cầu đối với các quốc gia trong việc chứng minh “kinh phí và tài chính" cho việc phân phối vaccine, bởi các quốc gia đó đang phải vật lộn để thực hiện trong thời hạn yêu cầu, theo bà Ann Lindstrand, người đứng đầu Chương trình Tiêm chủng Thiết yếu của WHO, cho biết.
“Chúng ta phải linh hoạt để tất cả các quốc gia có thể tiếp cận liều vaccine nhanh nhất có thể”, bà Lindstrand nói và gọi đó là một “sự lựa chọn thực dụng".
Nhiều quốc gia đã lựa chọn tự chi trả cho việc phân phối vaccine bằng cách chuyển nguồn vốn từ các chương trình khác trong nước. Điều này có thể làm trầm trọng thêm các nguy cơ sức khoẻ khác, ví dụ nếu nhân viên y tế tại các phòng khám phụ sản hoặc những người thực hiện tiêm chủng cho trẻ em bị điều động để tiêm phòng COVID-19.
“Chúng tôi không muốn việc một nhóm người dân phải trả tiền để bảo vệ nhóm khác”, bà Lindstrand nói.
Theo tổ chức nhân đạo CARE International ước tính, số tiền để phân phối vaccine cao gấp 5 lần so với số tiền mua vaccine.
“Trong số 5 USD chi phí giao hàng, 2,5 USD phải dành ra cho việc tài trợ, đào tạo, trang thiết bị và hỗ trợ các nhân viên y tế - đặc biệt là phụ nữ - những người quản lý vaccine, thực hiện các chiến dịch giáo dục, kết nối cộng đồng với các dịch vụ y tế và xây dựng niềm tin cần thiết cho người dân để tiếp nhận vaccine", CARE International cho biết trong một tuyên bố gần đây.
“Để những khoản đầu tư này có hiệu quả, họ phải trả tiền, bảo vệ và tôn trọng những nữ nhân viên y tế tuyến đầu và quyền của họ. Đây là một chi phí hầu như không có trong ước tính của WHO về việc triển khai vaccine”.
Hiện đang có các dòng tài trợ có sẵn để trang trải chi phí mở rộng quy mô nhân viên chăm sức khỏe tại các quốc gia từ Ngân hàng Thế giới, các ngân hàng phát triển khu vực và đa phương khác mà COVAX liên kết. Cho đến nay, 10 quốc gia đã nhận được tài trợ và “hơn 40 dự án bổ sung đang trong quá trình triển khai và sẽ được phê duyệt trong những tuần và tháng tới", theo Ngân hàng Thế giới.
Tuy nhiên, thủ tục hành chính phức tạp và quan liêu trong việc tiếp nhận hỗ trợ tài chính đã cản trở việc tiếp cận kịp thời nguồn vốn này tại nhiều quốc gia châu Phi. Bà Alakija kêu gọi ngân hàng và các nhà tài trợ khác hợp lý hóa quy trình đăng ký và cung cấp viện trợ kỹ thuật để tạo không gian để thực hiện những việc cần làm.
Theo bà Lisa Hilmi, Giám đốc điều hành của CORE Group, một hiệp hội của các tổ chức y tế và phát triển quốc tế, cho biết: Đối với một số quốc gia có thu nhập thấp, trong đó tỷ lệ nợ công đã cao, có những lo lắng về việc tiếp nhận các khoản vay của Ngân hàng Thế giới, "vì họ không chắc chắn về khoản hoàn vốn dài hạn sẽ ra sao".
Một đại diện của Ngân hàng Thế giới cho biết rằng các khoản vay lãi suất thấp hoặc bằng 0 đang được cung cấp cho các nước thu nhập thấp và tài trợ một phần hoặc toàn bộ cho các nước có rủi ro tín dụng cao.
Trong số những nhà tài trợ cho các quỹ đa quốc gia, “cho đến nay có rất ít sự quan tâm và hỗ trợ trực tiếp hướng đến chi phí hoạt động”, bà Lindstrand nói.
Một sự thay đổi đáng chú ý đã diễn ra tại Hoa Kỳ, nơi mà vào tháng Hai, chính quyền Tổng thống Biden cam kết tham gia COVAX, trái ngược hoàn toàn với cách tiếp cận của cựu Tổng thống Donald Trump.
Vào đầu tháng Ba, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cho biết một nửa cam kết trị giá 4 tỷ USD của chính quyền nước này với COVAX sẽ được sử dụng “không chỉ cho việc phân phối vaccine đơn thuần mà còn cung cấp vaccine trong bối cảnh tăng cường nhân lực và năng lực của hệ thống y tế”.
Tuy nhiên, Lindstrand nói rằng bà "khá lo lắng".
“Tôi nghĩ chúng ta còn một chút hy vọng trong việc tìm ra giải pháp tài chính trong hai ba tháng tới", bà nói. “Khi số lượng vaccine COVID-19 của COVAX gia tăng đáng kể và các quốc gia tiếp nhận nhiều hơn lượng vaccine, đó là lúc chúng ta thấy rõ hơn sự bế tắc".
Bình luận