"Tôi tin rằng ở giải đấu này, Thái Lan có thể vô địch. Gặp Việt Nam ở trận ra quân sẽ rất thú vị vì họ nghĩ mình là số 1 Đông Nam Á, nhưng các học trò của tôi không thấy e sợ chút nào", HLV Sirisak Yodyardthai của tuyển Thái Lan chia sẻ với Siamsport.
Tiền vệ Sumanya Purisai cũng khẳng định: “Ai cũng biết hiện tại tuyển Việt Nam mạnh thế nào, họ đã có chuỗi thành công ấn tượng thời gian qua. Nhưng tại King’s Cup tới đây, chắc chắn chúng tôi sẽ tặng cho Việt Nam những khoảnh khắc tồi tệ”.
Lễ bốc thăm King's Cup 2019 khiến khán giả liên tưởng đến buổi họp báo trước những trận so găng Quyền anh, nơi các đối thủ buông lời thách thức, đe doạ nhau. Khác biệt ở chỗ, chỉ Thái Lan là bên tuyên bố muốn "đè bẹp" Việt Nam ở giải đấu này. Thầy trò HLV Park Hang Seo không đáp trả, bởi điều đó không cần thiết.
Thái Lan đang muốn đẩy trận tính chất cuộc so tài lên quá tầm một trận giao hữu. Tuyển Việt Nam phải rất cẩn thận nếu không muốn sa vào cái bẫy nơi "đất khách quê người".
Câu hỏi đặt ra ở đây là Thái Lan có khát thắng Việt Nam không? Chắc chắn là có. BLV Quang Huy nhận định người Thái đang "có sự cay cú và tổn thương nhất định". Thái Lan có những nốt trầm trong lịch sử, nhưng để Việt Nam vượt mặt ở 5 giải liên tiếp rải đều ở mọi cấp độ (U23, Olympic, ĐTQG) là sự thật khó chấp nhận.
Từ khi HLV Park Hang Seo tiếp quản ghế huấn luyện bóng đá Việt Nam, người Thái chưa bao giờ thắng chúng ta lần nữa. 2 lần gặp ở cấp độ U23, Việt Nam thắng cả 2, ghi 6 bàn, thủng lưới 1 lần, chiến thắng sau ngọt ngào hơn chiến thắng trước.
HLV Park Hang Seo nói rằng "từ nay bóng đá Việt Nam không còn sợ Thái Lan". Thực tế thì, các cấp độ tuyển Việt Nam đoạt Á quân, hạng Tư châu lục, vào bán kết Asian Cup, vô địch AFF Cup, Quang Hải cùng các đồng đội không còn nhìn thấy Thái Lan ở đâu.
Lứa học trò đầy tài năng của thầy Park đang hướng ra biển lớn châu lục, nơi họ đã chơi ngang ngửa với Iraq và thua tiếc nuối trước Nhật Bản.
HLV Park Hang Seo cũng đang dồn hết tâm sức chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2022, chiến dịch có thể định nghĩa lại tầm vóc và lịch sử bóng đá Việt Nam. U22 Việt Nam muốn giành huy chương vàng SEA Games cuối năm, nhưng đó là vì bóng đá Việt Nam chưa lần nào vô địch SEA Games, không phải vì có Thái Lan là rào cản.
Việt Nam không cần phải lao vào cuộc chiến "sinh tử" với Thái Lan. Đã qua lâu rồi cái thời bóng đá Việt Nam muốn thắng Thái để chứng tỏ hơn thua. Song giờ là lúc Thái Lan lại muốn điều đó. Tại sao?
Thứ nhất, dường như Thái Lan bắt đầu cảm thấy tụt lại sau những gì Việt Nam làm được. Từ chỗ không mang đội hình mạnh nhất dự AFF Cup đến "năm lần bảy lượt" mời Việt Nam đá King's Cup, người Thái đang "nóng mắt" khi bóng đá Việt Nam gặt hái thành công quá nhanh.
Một năm rưỡi sau thất bại nặng nề ở SEA Games, bóng đá Việt Nam từ không có gì đến có tất cả, được tung hô là "số 1 Đông Nam Á". Điều đó khiến Thái Lan tổn thương, và một chiến thắng giao hữu dù không nhiều ý nghĩa chuyên môn, cũng có thể giúp Thái Lan tự xoa dịu phần nào.
Thứ hai, không phải ngẫu nhiên mà Thái Lan đổi thể thức King's Cup, chuyển từ đá theo xếp hạng FIFA sang bốc thăm. Có lẽ Thái Lan muốn "hợp thức hoá" cơ hội gặp Việt Nam, điều không dễ xảy ra nếu chia theo cách cũ. "Voi chiến" cũng tung bộ ảnh "đe doạ" trả đũa Việt Nam để làm nền tảng cho sự trở lại. Và hôm nay, theo nhiều nguồn tin trên báo chí, Thairath - đơn vị nắm bản quyền King's Cup đã tăng giá bản quyền từ 5 đến 7 lần.
Nếu Thái Lan không gặp Việt Nam ở trận đầu, chưa chắc dư luận đã quan tâm để người Thái có thể thách bản quyền trận giao hữu với giá cao.
Không khó để thấy, Thái Lan đang thổi phồng trận giao hữu với Việt Nam với những cụm từ lớn lao hơn tính chất thật của nó. Danh xưng "số 1 Đông Nam Á" có được nhờ quá trình tranh đấu, phát triển dài hạn của nhiều nền bóng đá. Nó không thể phân định thông qua một trận giao hữu.
Người Thái dường như muốn dựa vào "mối thù truyền kiếp" giữa Thái Lan và Việt Nam để làm hình ảnh cho King's Cup. Một cách làm khác đỡ... tốn tiền hơn so với việc mời các đội tuyển mạnh như Slovakia hay Gabon.
Suy cho cùng, mục đích của Thái Lan trong những tuyên bố khiêu khích là gì, đấy cũng là chuyện của người Thái. Với thầy trò HLV Park Hang Seo, giải giao hữu tới đây vẫn nên là cơ hội rèn quân và tìm kiếm những gương mặt mới. Hoặc nếu cố thắng, cũng là thắng để bảo vệ thứ hạng FIFA trước mối đe doạ từ tuyển Palestine. Nằm ở nhóm 2 vòng loại World Cup vẫn tốt hơn nhiều so với nhóm 3.
Còn với Thái Lan, chúng ta không cần chứng tỏ điều gì. Bóng đá Việt Nam từng bị cái "bệnh" là quá căng thẳng với kết quả các trận giao hữu. HLV Park Hang Seo thừa nhận điều này trước thềm Vinaphone Cup 2018 (chuẩn bị cho ASIAD). Cần chữa tận gốc thói quen xấu để kiến tạo nền tảng cho tương lai.
Tuyển Việt Nam cần chuẩn bị hướng tới World Cup, không phải King's Cup!
Bình luận