Năm 2025, toàn tỉnh Thái Bình phấn đấu tốc độ tăng trưởng lĩnh vực trồng trọt từ 0,6% trở lên; trong đó lúa vụ xuân đạt khoảng 74.000ha, năng suất lúa xuân đạt trên 70 tạ/ha, sản lượng trên 510.000 tấn; diện tích cây màu xuân trên 15.000ha trở lên, cây màu hè 11.000 ha. Lúa chất lượng cao khoảng 50% tổng diện tích gieo cấy.
Để đạt mục tiêu này, ngành nông nghiệp hướng dẫn các địa phương đưa các giống ngắn ngày, có giá trị kinh tế cao, có thị trường và phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu; mở rộng diện tích lúa gieo, cấy bằng máy lên đến 35.000 ha.
Ngành nông nghiệp cũng khuyến khích người dân tích tụ, tập trung đất đai, cấy cùng trà, cùng giống; áp dụng tối đa cơ giới hóa vào sản xuất; đồng thời sản xuất được lượng sản phẩm lớn thuận lợi cho việc liên kết bao tiêu sản phẩm, tăng giá trị gia tăng của nông sản, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, tăng cường xúc tiến thương mại; hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bền vững, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Thời gian qua, thực hiện theo Nghị quyết số 29, Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai, để phát triển kinh tế nông nghiệp, các cấp Hội Nông dân tỉnh Thái Bình đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực tham gia tích tụ, tập trung đất đai gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Các hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, liên kết sản xuất được đẩy mạnh, góp phần hình thành nhiều mô hình sản xuất hàng hóa quy mô lớn, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đem lại hiệu quả cao. Đến tháng 7/2023, toàn tỉnh có trên 1.920 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai với tổng diện tích tích tụ, tập trung trong sản xuất trồng trọt trên 8.045ha.
Thái Bình được biết đến là một trong những tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Hồng. Các loại cây trồng vụ đông có giá trị kinh tế cao như ngô, khoai lang, khoai tây, hành, tỏi... liên tục được mở rộng diện tích và cải thiện năng suất.
Vụ đông năm 2023, tổng diện tính gieo trồng đạt gần 37.240ha, tăng 531,6ha so với năm trước. Nhiều loại cây trồng chính mang lại giá trị kinh tế cao tiếp tục được mở rộng diện tích như ngô 5.602ha, tăng 488,6ha, khoai lang 2.226,3ha, tăng 225,3ha, khoai tây 3.654,7ha, tăng 92,7ha.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng cây vụ đông, như hỗ trợ giống cây trồng, phân bón và vật tư nông nghiệp cho nông dân.
Các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác, kiểm soát sâu bệnh và bảo quản sau thu hoạch được tổ chức thường xuyên, giúp nông dân áp dụng những phương pháp sản xuất hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
Các mô hình HTX và chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thị trường dễ dàng hơn, không lo về đầu ra. Giá trị sản xuất của vụ đông năm 2023 đạt 5.176 tỷ đồng, tăng 2,16% so với năm trước.
Ngô, khoai lang, khoai tây là những cây trồng chủ lực, không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn bảo đảm cung ứng nguyên liệu cho các ngành chế biến trong tỉnh và các địa phương lân cận.
Bên cạnh đó, việc duy trì sản xuất các loại rau màu và cây trồng ngắn ngày, đặc biệt là rau xanh cũng giúp nông dân linh hoạt hơn trong việc lựa chọn giống cây phù hợp với điều kiện thời tiết và nhu cầu thị trường.
Bình luận