Lễ cúng tiễn ông Công ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp là một trong những lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt. Ngày này cũng đánh dấu thời điểm Tết Nguyên đán đã gần kề. Vai trò quan trọng này khiến 23 tháng Chạp còn được gọi là Tết - Tết ông Công ông Táo.
Tết ông Công ông Táo 2023 là ngày nào?
Năm nay, ngày 23 tháng 12 âm lịch nhằm vào thứ Bảy ngày 14/1/2023. Vì rơi vào ngày cuối tuần, do đó việc chuẩn bị của các gia đình sẽ dễ dàng, đầy đủ và chu đáo hơn. Nếu bận vào thời điểm đó, có thể tùy vào điều kiện thời gian của mỗi gia đình mà lựa chọn ngày, giờ cúng ông Công ông Táo khác nhau.
Các gia đình hoàn toàn có thể cúng ông Công, ông Táo trước ngày 23 tháng Chạp khoảng 1 - 2 ngày. Tuy nhiên, không nên cúng muộn hơn 23h ngày 23 tháng Chạp. Bởi mỗi năm chỉ có một ngày Ngọc hoàng nghe các Táo báo cáo, do đó Táo quân cần phải lên thiên đình đúng giờ để kịp vào chầu. Nếu Táo nào lên thiên đình sớm thì phải chờ đến ngày thiết triều và táo nào lên muộn thì không tham gia được. Chính vì thế, các gia đình không nên cúng sau ngày 23.
Cỗ cúng ông Công ông Táo cần có những gì?
Theo dân gian, Táo quân cai quản bếp lửa và nắm rõ mọi chuyện trong nhà nên mọi người thường làm lễ tiễn rất trang trọng với ước muốn cầu xin những điều đẹp đẽ đến với cả gia đình. Mâm lễ cúng ông Táo về chầu trời đủ đầy sẽ là hiện thân của ước muốn một năm mới sung túc.
Đồ cúng ông Công ông Táo gồm:
- Mũ ông Táo 3 chiếc: Hai chiếc dành cho Táo ông loại có cánh chuồn và một chiếc cho Táo bà thì không có phần cánh chuồn
- Quần áo giấy cho Táo: Hai bộ cho nam, một bộ cho nữ
- Hài Táo quân: Hai đôi hài nam, một đôi hài nữ
- Trái cây tươi, cau trầu tươi
- Hương, nến, rượu nếp hoặc trà
- Giấy tiền, vàng mã
Lưu ý: Đồ vàng mã sẽ được đốt sau lễ cúng ngày 23 tháng Chạp.
Chuẩn bị mâm cơm cúng ông Táo không cần quá cầu kỳ, tùy theo điều kiện gia cảnh mà gia chủ để chuẩn bị, có thể làm món mặn và món chay.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo gồm:
- Gà trống luộc chéo cánh ngậm hoa tỉa ớt hoặc hoa hồng (có thể thay bằng thịt heo luộc hoặc vịt quay)
- 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối
- 1 bát canh chân giò nấu măng (hoặc canh mọc)
- 1 đĩa xào thập cẩm, 1 đĩa giò
- 1 đĩa chả rán, thịt đông
- 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa chè kho
- 1 đĩa trái cây
- 1 ấm trà sen, 3 chén rượu
Nhiều gia đình cúng thêm các món chè như chè hoa cau hoặc chè trôi nước, chè kho, các loại bánh trái.
Ngoài ra, cá chép cũng là lễ vật không thể thiếu đối với nhiều gia đình, vì đây là phương tiện để ông Táo lên trời. Nhiều gia đình thay cá chép sống bằng món xôi gấc tạo hình cá chép. Người miền Bắc thường chuẩn bị 3 con cá chép đỏ sống để bơi trong chậu nước với quan niệm “cá chép hóa rồng” đưa các Táo về trời. Những con cá chép này sẽ được thả ra các ao hồ hoặc sông sau khi làm lễ cúng. Người miền Trung dùng ngựa bằng giấy để cúng. Còn người dân miền Nam dâng lễ vật có phần đơn giản hơn, bao gồm mũ, áo hài và cá chép giấy.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo trên đây chỉ là gợi ý, mỗi gia đình có thể tùy biến theo cách riêng để phù hợp với điều kiện, quan niệm và sở thích. Có những gia đình không cúng đồ mặn. Quan trọng nhất vẫn là thành tâm, trang trọng, chu đáo, thể hiện được tấm lòng thành của gia chủ trước bàn thờ vị thần cai quản đất đai và vị thần cai quản bếp núc.
Bình luận