• Zalo

Tết Đoan Ngọ ăn cơm rượu: Món ăn dân dã đượm hồn quê xưa

ChấtThứ Hai, 14/06/2021 11:15:00 +07:00Google News

Cơm rượu hay còn được biết đến với tên gọi khác là rượu nếp cái, là món ăn dân dã và quá quen trong văn hóa ẩm thực cả ba miền.

Ba miền Bắc – Trung – Nam, mỗi miền sẽ có sự biến tấu khác nhau về món cơm rượu để cho ra một món ăn thuận chiều theo dòng văn hóa. Trong đó, đặc sản cơm rượu miền Nam luận từ nội dung sang hình thức đều ít có sự giao thoa so với miền Bắc hay Trung. 

Tết Đoan Ngọ ăn cơm rượu: Món ăn dân dã đượm hồn quê xưa - 1

Cơm rượu, thức quà quê dân dã nhưng cũng đầy màu sắc trong mảnh ghép văn hóa ẩm thực ba miền. (Ảnh minh họa)

Không quá khó để tìm gặp một gánh cơm rượu đơn sơ, giản dị giữa lòng phố thị xô bồ. Và đã thành lệ, món cơm rượu chỉ chờ dịp “tỏa sáng” duy nhất trong năm vào đúng ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 Âm lịch (hay còn được gọi là Tết diệt sâu bọ). Bởi người ta tin, món ăn hội tụ đủ các dư vị ngọt, chua, đắng, cay, nóng như cơm rượu sẽ trừ khử hiệu quả “sâu bọ” – những con giun, sán kí sinh lâu năm trong cơ thể con người. 

Tết Đoan Ngọ ăn cơm rượu: Món ăn dân dã đượm hồn quê xưa - 2

Cơm rượu được xem là món ăn "kinh điển" của ngày Tết diệt sâu bọ từ Trung, ra Bắc đến vào Nam. (Ảnh minh họa)

Dù hình thức và thành phần bên trong có khác nhau đến thế nào thì cách làm cơm rượu về căn bản cũng sẽ như nhau.

Nếu ở miền Bắc hay Trung, người ta dùng gạo nếp cẩm hoặc nếp cái hoa vàng để làm cơm rượu, thì người miền Nam lại chọn làm bằng loại gạo nếp thông thường. Gạo nếp sẽ được ngâm trong nước từ 4-6 tiếng, sau đó vo sạch, nấu thành cơm rồi rải mỏng tất cả ra mâm, để nguội. 

Tết Đoan Ngọ ăn cơm rượu: Món ăn dân dã đượm hồn quê xưa - 3

Cơm rượu được làm từ gạo nếp ủ lên men. (Ảnh minh họa)

Men rượu sau khi giã nhuyễn, được rắc lên cơm và đảo đều trước khi cho vào âu, đậy kín nắp và để ở nơi mát mẻ. Sau khoảng 2-3 ngày, khi cơm đã lên men và dậy mùi, có thể cho đường vào. Thời gian ủ càng lâu, lượng đường trong cơm sẽ chuyển hóa thành cồn càng lớn nên thường ít ai ủ cơm rượu quá nhiều ngày. Đặc biệt ở chỗ, cơm rượu miền Nam trước công đoạn mang ủ sẽ được vo thành những viên tròn vừa vặn.

Tết Đoan Ngọ ăn cơm rượu: Món ăn dân dã đượm hồn quê xưa - 4

Với miền Trung hay miền Bắc, món cơm rượu thành phẩm sẽ tơi ra thay vì mang một hình hài nhất định. (Ảnh minh họa)

Thực chất, xoay quanh món cơm rượu còn rất nhiều điều thú vị và bổ ích mà không phải ai cũng biết. Ví dụ, vì thời gian ủ khá ngắn nên ăn cơm rượu không thể làm người ta say giống như uống rượu. Mặt khác, cơm rượu còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho tim mạch và hệ tiêu hóa bởi thành phần lovastatin và ergosterol có trong men ủ. 

Vì là thực phẩm lên men nên với nhiều người, cơm rượu có thể thơm hoặc mang mùi khó ngửi. Rất nhiều người mặc dù đã biết cơm rượu từ tấm bé, nhưng phải rất lâu sau mới chịu thử món ăn này. Nó mang một mùi hương độc đáo, khi ăn vừa cảm nhận được vị ngọt bùi của gạo nếp, vừa “ngây ngất” bởi dư vị nồng nàn của hơi men. Cuối cùng là vị chua tự nhiên không thể thiếu của đa phần các món “nên hình, nên vóc” bằng thủ pháp lên men này.

Tết Đoan Ngọ ăn cơm rượu: Món ăn dân dã đượm hồn quê xưa - 5

Cơm rượu miền Nam, dù "quen mặt" nhưng không phải tuổi thơ ai cũng từng được thử. (Ảnh minh họa)

Cơm rượu cũng được xem là món vô cùng có sức gợi về hồi ức tuổi thơ. Ở miền Tây, gánh cơm rượu tuy nhỏ nhưng lắm lúc lại gánh trên vai trọng trách nuôi sống cả gia đình. Do đó, cơm rượu ở đây không phải là món chỉ ăn khi “đến hẹn” mà bất cứ khi nào muốn, ai cũng có thể lót lòng bằng chén cơm rượu trắng thơm. 

Rachel Phạm(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn