Thời ấu thơ của lũ trẻ vùng quê hiếm khi có những món quà vặt đắt đỏ, ấy thế mà chỉ cần vài ba thứ quả dại cũng đủ tạo nên nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Nào là chùm ruột, trứng cá, nhãn lồng... mọc dọc đường đi, lũ trẻ cứ tha hồ hái rồi nhâm nhi. Đơn giản, bình dị thế nhưng chúng lại có hương vị đặc sắc rất riêng. Nói đến đây, chắc hẳn không ít người nhớ đến những chùm me nước thân quen gắn bó với những buổi trưa hè hồi nhỏ.
Chẳng biết chúng có mặt từ khi nào, nhưng những hàng me nước rợp bóng mát đã trở thành hình ảnh quen thuộc của miền quê Việt Nam. Thân cây cao to, lá kim và thường mọc dại chứ không cần ươm mầm, chăm bón. Và điều hấp dẫn nhất với lũ trẻ chính là những chùm quả đung đưa ở tận trên cao.
Tuy trái me nước phân thành từng đốt như loại me chua thông thường nhưng mỗi trái lại uốn thành vòng tròn cong cong lạ mắt. Trái me nước khi còn non thì da xanh, dẹt và tương đối cứng. Đến khi đạt được độ chín thì nở ra ở hai bên thân quả để lộ phần thịt trắng mướt và hạt đen bên trong. Nhưng thu hút nhất là khi chúng già hẳn và chuyển sang màu hồng đỏ khiến mọi đứa trẻ đều thòm thèm.
Hái me nước không phải chuyện dễ, vì thân cây có nhiều gai nên ít ai dám trèo lên. Mà cách "ăn may" nhất là ném đá để chúng rơi xuống hoặc đợi khi nào tự rụng thì tranh thủ nhặt mà thưởng thức. Ăn quen rồi nên cứ hễ đến mùa trái chín, đứa nào đứa nấy đứng dưới gốc cây “canh me”.
Lớp cơm tuy hơi nhớt nhưng có một vị ngọt rất lạ. Chẳng cần chấm mắm muối gì cả, chỉ cần nhai phần thịt trắng, chờ đợi hương thơm lan tỏa từ từ vô cùng thích miệng. Thêm vào đó, chút bùi bùi bên ngoài phần vỏ đọng lại nơi cổ họng làm lũ trẻ cứ muốn ăn mãi không thôi.
Hiện nay, me nước dường như chẳng còn xuất hiện nhiều dù là ở vùng quê. Bởi thế mà đôi khi người ta quên mất thức quà thân thuộc thuở ấy, nhưng mỗi khi nhớ lại hình ảnh trái me đung đưa "mời gọi" đầy khiêu khích khiến cả lũ trẻ phải nhốn nháo thì cứ như tuổi thơ lại ùa về. Niềm vui nhỏ nhoi thế mà lại là một phần thân thương của những đứa trẻ nông thôn.
Bình luận