• Zalo

Tết đến, người lao động vẫn mòn mỏi chờ lương

Kinh tếThứ Năm, 30/01/2014 07:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Trong lúc các cơ quan, doanh nghiệp đang bận rộn với kế hoạch thưởng Tết, thì nhiều công nhân đang phải nhăn nhó vì bị nợ lương gần 4 năm. 

Phản ánh lên báo điện tử VTC News, chị Huyền - người lao động  thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Khu Kinh tế Hải Hà cho hay, tính đến nay, chị và nhiều công nhân khác đang bị nợ lương lên tới 38 tháng, còn nợ bảo hiểm xã hội lên tới 54 tháng.
lao động 
Theo chị Huyền, số công nhân bị nợ lương hiện tại lên tới 28 người, tổng số tiền mà công ty nợ công nhân tính sơ sơ cũng lên tới 6 tỷ đồng.
“Chúng tôi, có những người đã sắp đến tuổi nghỉ hưu, từng tham gia quân ngũ kháng chiến đánh giặc, được kết nạp Đảng trong chiến đấu, nhưng vẫn bị công ty“ đem con bỏ chợ” , bị nợ lương, bảo hiểm và các chế độ khác đến 3 - 4 năm trời kéo theo sự cơ hàn, túng quẫn cả thể xác và tinh thần”, chị Huyền tâm sự.
Thậm chí, theo chị Huyền, nhiều công nhân do không có lương đã lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì phải vay lãi cao để sống qua ngày, gia đình lục đục, ốm đau không có tiền chạy chữa lại không có bảo hiểm y tế, nhiều gia đình đã phải thế chấp hoặc gán nhà để trả nợ .. , cuộc sống ngày càng khốn đốn hơn, có trường hợp do quẫn bách dẫn đến vi phạm pháp luật và đã phải đi tù.
Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Khu Kinh tế Hải Hà (gọi tắt là Công ty Hải Hà) được thành lập tháng 3/2007 với cam kết góp vốn của các Tập đoàn, Ngân hàng, Tổng công ty nhà nước, thực hiện nhiệm vụ “Đầu tư xây dựng và kinh, doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp - Cảng biển Hải Hà” thuộc huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.
 Sau 7 năm hoạt động, đến nay còn 3 cổ đông là 3 doanh nghiệp nhà nước gồm: Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (nay là Tổng công ty công nghiệp tàu thủy), Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Sông Đà, trong đó Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam giữ vai trò là cổ đông chi phối và là đầu mối để báo cáo với chính phủ.
Với đặc điểm là Doanh nghiệp được thành lập theo Dự án và là Công ty cổ phần 100% vốn nhà nước (Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Sông Đà đã góp vốn 5,1 triệu USD (khoảng 81 tỷ đồng) để thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư Dự án, nhưng số tiền này đang bị một Công ty TNHH một thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) chiếm dụng).
Sau khi vụ việc ở Vinashin bị khởi tố và nhiều lãnh đạo của Vinashin phải hầu tòa và lãnh án. Tháng 7/2010, thực hiện Quyết định 926/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Công ty được chuyển giao sang Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinaline) nhưng một thời gian sau Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã báo cáo Chính phủ về việc không có khả năng thực hiện tiếp nhận Dự án và công ty lại trở về với chủ cũ.
Trong thời gian này, người lao động của công ty bị nợ tiền lương, không được tiền đóng bảo hiểm và các chế độ có liên quan khác.
 Sau nhiều lần người lao động kiến nghị với các Cổ đông, Hội đồng quản trị và báo cáo Lãnh đạo Chính phủ về việc giải quyết các khoản nợ đọng kéo dài và các chế độ có liên quan của Doanh nghiệp đối với người lao động, ngày 11/7/2011, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Văn Trọng Lý đã ký thông báo số 165/TB/VPCP, trong đó có nêu trách nhiệm của Tập đoàn Công nghiêp tàu thủy Việt Nam : “Là đơn vị có trách nhiệm giải quyết các vấn đề tồn tại của Công ty Cổ  phần Đầu tư Phát triển Khu Kinh tế Hải Hà”.
Tới ngày  4/1/2012, Đại hội Cổ đông và Hội đồng quản trị Công ty mới tổ chức họp phiên bất thường và ra Nghị quyết số 01/-ĐHCĐ ngày 5/1/ 2012, trong đó có nội dung “ Kiện toàn tổ chức, bộ máy, giải quyết các vấn đề tồn đọng, trả nợ lương , bảo hiểm , chế độ cho người lao động ...”. Nhưng tất cả hành động chỉ nằm trên mặt giấy và cán bộ công ty này đều “tiến thoái lưỡng nan”.
 Mới đây, ngày 24/12/2013, Bộ Giao thông vận tải cũng đã có công văn số 14060/BGTVT-QLDN gửi Tổng công ty công nghiệp tàu thủy về việc phản ánh, kiến nghị của công đoàn và tập thể người lao động Công ty CP Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà sau khi Văn phòng chính phủ có công văn 10532/VPCP-VI chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải xử lý kiến nghị của người lao động.
Ngày 21/1, Ban lãnh đạo của Công ty Hải Hà cũng đã có cuộc họp để tiếp tục kiến nghị về việc giải quyết nợ lương và các chế độ cho cán bộ nhân viên.
 Theo chị Huyền, tại cuộc họp này, đại diện người lao động đã đưa ra kiến nghị nếu không có tiền trả thì cho các nhân viên nghỉ việc. Tuy nhiên, do chưa có kinh phí nên cũng chưa thể cho cán bộ, nhân viên nghỉ việc vì không có tiền để thanh toán lương nợ và chế độ bảo hiểm.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên báo điện tử VTC News, ông Nguyễn Văn Nguyên – Giám đốc công ty Hải Hà cho biết, vấn đề nợ lương của người lao động suốt gần 4 năm qua cũng khiến chúng tôi suy nghĩ tìm cách giải quyết rất nhiều. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc họp với Hội đồng quản trị công ty, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.
“Hiện ý kiến của 2 cổ đông lớn là Tập đoàn Sông Đà và Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam là sẽ mỗi bên góp một ít vốn để giúp đỡ người lao động, nhưng phía Vinashin – cổ đông lớn nhất thì lại không đồng ý”, ông Nguyên cho hay.
Ngoài ra, ông Nguyên cũng cho biết, hiện số tiền 5,1 triệu USD của công ty Hải Hà bị Vinashin cho 1 đối tác khác vay vẫn chưa đòi được. Vì vậy, vẫn chưa nguồn kinh phí để chi trả lương cho người lao động.
Năm hết, Tết đến nhưng nhiều người lao động tại Công ty Hải Hà vẫn phải sống lay lắt trong đợi chờ mà chưa biết đến bao giờ sẽ được thanh toán tiền lương và chấm dứt hợp đồng lao động.
Bình luận
vtcnews.vn