• Zalo

Tên của nhà bác học nào được đặt tên cho 8 trường chuyên ở Việt Nam?

Hỏi - ĐápThứ Sáu, 22/11/2024 10:36:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Đây là thiên tài độc nhất vô nhị của Việt Nam, nổi tiếng học rộng hiểu nhiều cùng vốn kiến thức uyên bác.

Ông chính là Lê Quý Đôn - danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.

Lê Quý Đôn sinh năm 1726 trong gia đình Nho học có bố là quan Hình bộ thượng thư, mẹ xuất thân dòng dõi khoa bảng tại làng Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ nay là thôn Phú Hiếu, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Năm 14 tuổi, ông theo cha lên kinh đô Thăng Long học tập. Năm 18 tuổi, ông thi Hương và đỗ Giải nguyên. Đến 27 tuổi, Lê Quý Đôn tiếp tục thi Hội và đỗ Hội nguyên, sau đó đỗ Đình nguyên Bảng nhãn trong kỳ thi Đình, đạt được danh hiệu cao nhất trong kỳ thi khoa bảng.

Lê Quý Đông là một danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.

Lê Quý Đông là một danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.

Hơn 30 năm làm quan, ông luôn được triều đình Lê - Trịnh trọng dụng và đặt vào những vị trí trọng yếu, chức vụ cao nhất là Tả hiệu điểm (quyền Tể tướng). Với hoài bão kinh bang tế thế, Lê Quý Đôn luôn mong muốn thi hành những cải cách, thiết định những pháp chế nhằm lập lại trật tự để đất nước ổn định, thịnh trị, nhân dân được vui hưởng thái bình. 

Không chỉ dừng lại ở trong nước, giai đoạn được các nhà nghiên cứu nhắc tới nhiều về những đóng góp xuất sắc của Lê Quý Đôn là chuyến đi sứ sang Trung Quốc (1760-1762).

Trong chuyến đi này, Lê Quý Đôn giao lưu với nhiều học giả danh tiếng, thuyết phục họ về văn hiến và văn minh nước Nam, đồng thời thu thập kiến thức từ các nền văn minh khác nhau, mở rộng hiểu biết của mình về thế giới. Thành tựu của ông trong chuyến đi sứ không chỉ khẳng định giá trị văn hóa dân tộc mà còn góp phần làm giàu tri thức của chính ông, đặt nền tảng cho các tác phẩm nghiên cứu sau này.

Trong bối cảnh kiêu binh gây rối, triều chính vô cùng rối ren, nhân dân đói khổ, Lê Quý Đôn lâm bệnh nặng. Sau đó, ông xin về quê mẹ là làng Nguyễn Xá (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) để chữa trị, nhưng không khỏi. Ông mất năm 1784, hưởng thọ 58 tuổi.

Vô cùng thương tiếc con người tài năng đức độ, chúa Trịnh Tông đề nghị với vua Lê Hiển Tông cho bãi triều ba ngày và cử Bùi Huy Bích làm chủ lễ tang. Đồng thời, cho truy tặng Lê Quý Đôn hàm Công bộ Thượng thư. Đến khi vua Lê Chiêu Thống nắm quyền chính, ông được gia tặng tước Dĩnh quận công.

Trong bài điếu đọc tại tang lễ của Lê Quý Đôn, Tham tụng Bùi Huy Bích, vừa với tư cách thay mặt triều đình Lê - Trịnh vừa là tư cách thay mặt các thế hệ học trò đã từng theo học Lê Quý Đôn, có đoạn viết: “Học vấn sâu rộng, văn chương lỗi lạc thông minh nhất đời, trước tác không biết mệt. Nước Nam ta trong khoảng hai trăm năm nay mới có một người như thế...”. 

Với những dấu ấn và đóng góp của mình, tên của ông được đặt cho nhiều trường chuyên và trường THPT khác ở Việt Nam, như một nguồn động lực để các thế hệ học sinh cố gắng, phấn đấu và noi theo, gồm các trường THPT chuyên Lê Quý Đôn ở Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Điện Biên, Khánh Hòa, Lai Châu, Ninh Thuận, Quảng Trị.

Kim Nhã
Bình luận
vtcnews.vn