Ý tưởng xây dựng hệ thống “Taxi điện trên không” được kỹ sư Trần Thanh Sơn, hiện công tác tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đưa ra với mục tiêu trở thành phương thuốc hữu hiệu chấm dứt căn bệnh kẹt xe kinh niên hiện nay tại các đô thị lớn của Việt Nam.
Đề xuất táo bạo của ông Sơn được VTC News đăng tải trong bài viết “Giải pháp chống ùn tắc giao thông độc nhất vô nhị ở Việt Nam: Taxi điện trên không” hôm 15/2.
Hệ thống “Taxi điện trên không” sau đó đã nhận nhiều ý kiến phản biện của các chuyên gia giao thông uy tín. Trong đó, đa số ý kiến đều cho rằng phương án này không khả khi, khó thành hiện thực.
Đứng trước phản biện của nhiều chuyên gia giao thông, kỹ sư Trần Thanh Sơn đã lên tiếng bảo vệ ý tưởng của mình và tiếp tục khẳng định tính “ưu việt, hiệu quả” của phương tiện giao thông này.
Ông Sơn nói: “Đây là giải pháp giao thông thông minh, một tuyến đường giao thông mới mà trên thế giới chưa có ai suy nghĩ và chứng minh được như giải pháp này’.
Ông Sơn cho rằng “hệ thống taxi điện trên không dùng để vận chuyển hành khách hiệu quả, tốc độ liên thông 50-60 km/h”.
Video: Hà Nội thưởng tiền tỷ cho người hiến kế giảm tắc đường
Trước ý kiến lo ngại “nếu chẳng may hư hỏng thì lại kẹt xe”, ông Sơn khẳng định rất khó xảy ra vì đã dự liệu và có giải pháp khắc phục. “Chuyện này tôi đã nghiên cứu giải pháp lâu rồi, không thể kẹt xe được. Lý do nếu có khả năng hư xe, những tấm dốc đã được mở lên để xe chạy đi đường khác rồi có nghĩa là chỉ kẹt cục bộ ngay tại tuyến ngắn đó”, ông Sơn nói.
“Giải pháp thứ 2 là một chiếc xe sau từ từ tiến lại, đẩy xe trực tiếp lên trạm gần nhất, treo xe lên luôn vậy là thông tuyến”,
“Giải pháp thứ 3 là đã được thiết kế dự phòng trước, có 2 mô tô công suất gắn trên 2 bánh, hoạt động độc lập nên có hư 1 động cơ không có vấn đề gì”, ông Sơn nói thêm.
Về năng lực vận chuyển, kỹ sư Trần Thanh Sơn cho hay: “Theo như tính toán, tốc độ xe khoảng 60km/giờ, khoảng cách 100m/xe thì số lượng xe chạy qua là 600 xe/giờ; xe 6 chỗ, thì trong một giờ vận chuyển được tương đương 3.600 khách/giờ/hướng, tức là gấp 2 lần xe buýt”.
“Hơn nữa, không nhất thiết chỉ là xe 6 chỗ, nếu cũng vẫn tuyến đường đó, ta thiết kế xe dài hơn thành 10 chỗ, tăng công suất động cơ thì năng lực vận chuyển là 6.000 khách/giờ/hướng, tức là gấp 4 lần xe buýt”,
“Nếu 2 xe 10 chỗ kết nối với nhau qua một khớp nối đa chiều, ta có năng lực vận chuyển là 12.000 khách/giờ/hướng” tức là gấp 8 lần xe buýt. Nếu ta nối 3 xe, năng lực vận chuyển là 18.000 khách/giờ/hướng, tức là “gấp 12 lần xe buýt “, ông Sơn phân tích.
Cũng theo ông Sơn, taxi điện trên không có nhiều ưu điệm vượt trội hơn hẳn xe buýt. Cụ thể, với xe buýt, vẫn tồn tại những nhược điểm không thể thiếu như: kẹt xe, vận chuyển thiếu an toàn, chỉ theo tuyến nhất định, hành khách muốn theo tuyến khác lại phải xuống xe, một hành khách xuống xe là cả 50 hành khách đứng lại luôn, một động cơ chuyên chở 50 khách, có khi chỉ chở được 2-3 khách vẫn phải chạy suốt tuyến, khói bụi mù mịt ô nhiễm môi trường…
“Những vấn đề trên ở 'Taxi điện trên không RR' là không có”, ông Sơn khẳng định.
Trước những lo ngại về an toàn, kỹ sư Trần Thanh Sơn cho biết các phương tiện giao thông khác như máy bay luôn luôn lệ thuộc vào phi công và thời tiết, sự hỏng hóc vô tình của thiết bị.
“Trong khi hệ thống vận chuyển taxi điện trên không là sự giao kết có kiểm soát của mạch điện tử và nằm trên mặt đường hiện hữu nên mức độ an toàn cao hơn tất cả các phương tiện hiện có trên thế giới”, kỹ sư Trần Thanh Sơn nói.
“Vấn đề chi phí cũng không phải quá lớn. Chúng ta thấy rằng trong một giờ có đến 600 chiếc chạy qua, có vẻ là cần phải sản xuất một số lượng xe khổng lồ. Nhưng không phải vậy, với khoảng cách 100m/xe, trên mỗi km chỉ có 10 chiếc hoạt động”, kỹ sư Trần Thanh Sơn nói thêm.
Cho rằng đường sắt đô thị có năng lực vận chuyển cao song theo kỹ sư Trần Thanh Sơn, loại hình này cũng đang bộc lộ nhiều khuyết điểm. Ông nói: “Một khu đô thị đông đúc, làm sao triển khai tuyến đường sắt ở mọi tuyến đường được? Hơn nữa chi phí đường sắt đô thị là thuộc loại chi phí tốn kém nhất thế giới. Khi hành khách đổ về ga trung tâm quá lớn,chẳng khác nào những cuộc đại di dân và khi đó ách tắc rất dễ xảy ra”.
“Chỉ có “Taxi điện trên không RR” là giải quyết thấu đáo vấn đề này,” ông Sơn khẳng định.
“Taxi điện trên không RR” là là hệ thống taxi phổ thông, tự động, không người lái, sử dụng điện, chạy trên hệ thống đường trên cao, độc lập. Tốc độ chạy liên thông, trên dưới 50 -60km/h trong khu vực thành phố và trên dưới 100km/h ở khu vực ngoại ô.
Tác giả cho rằng hệ thống này thiết kế lắp ráp kết cấu nhẹ, bê tông đúc sẵn, thép tiền chế, chi phí rẻ tiền. Không ô nhiễm môi trường nhưng lại là hệ thống vận chuyển hành khách năng động nhất, tốc hành và hiệu quả nhất, không tốn điện tích mặt đất, có tính thẩm mỹ cao, đặc biệt thiết kế ở khu đô thị đông đúc là một giải pháp thấu đáo giải quyết vấn đề ách tắc giao thông ở các thành phố lớn trong hiện tại và trong tương lai.
Hệ thống cơ bản gồm có xe điện, tuyến đường trên không, hệ thống trạm, thang máy, tuyến gã tư không giao nhau.
Theo tính toán của ông Trần Thanh Sơn, việc xây dựng tuyến taxi điện trên không dễ làm và rẻ hơn rất nhiều so làm đường giao thông hiện tại. Thứ nữa, rất tiện lợi, tuyến nào cần trước làm trước, tuyến nào chưa cần làm sau, ví như sân bay Tân Sơn Nhất có thể áp dụng triển khai ngay.
Bình luận