Theo Reuters, từ giữa tháng 4, tàu Hải Dương Địa chất 8 đã khảo sát tại gần nơi một tàu khoan của công ty dầu khí Malaysia Petronas hoạt động. Tàu khoan Malaysia West Capella đã rời khỏi vùng biển này vào thứ Ba (12/5) sau khi hoàn thành công việc theo kế hoạch, nhà điều hành cho biết.
Sau khi rời vùng biển, tàu Hải Dương Địa chất 8 đi về hướng Bắc phía Trung Quốc và được hộ tống bởi ít nhất hai tàu Trung Quốc, theo dữ liệu từ trang web theo dõi tàu Marine Traffic.
Bộ Ngoại giao Malaysia chưa trả lời yêu cầu bình luận của Reuters. Nước này trước đó đã kêu gọi vấn đề Biển Đông được giải quyết bằng biện pháp hòa bình.
Vụ việc đã khiến Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng hành vi bắt nạt tại vùng biển căng thẳng. Các tàu chiến của Mỹ và Australia đã tiến hành các cuộc tập trận chung ở Biển Đông gần West Capella trong những tuần gần đây, ngay sau khi Hải Dương Địa chất 8 đến.
Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc đã lợi dụng sự xao lãng do đại dịch COVID-19 để thúc đẩy sự hiện diện ở Biển Đông.
Cuối năm 2019, tàu Hải Dương Địa chất 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc từng xâm phạm vùng biển Việt Nam, bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhiều lần lên án các hành vi xâm phạm trắng trợn của nhóm tàu Hải Dương 8, đồng thời yêu cầu Trung Quốc rút nhóm tàu này khỏi vùng biển của Việt Nam.
Ngày 14/5/2020, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam luôn theo dõi sát các hoạt động trên Biển Đông. “Việt Nam cho rằng, hoạt động của các nước tại khu vực cần phải tuân thủ các quy định liên quan của quốc tế, tôn trọng chủ quyền và quyền chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của các quốc gia ven biển, đóng góp vào hòa bình, an ninh và ổn định tại Biển Đông”, người phát ngôn Việt Nam nhấn mạnh.
Bình luận