• Zalo

Tàu Trung Quốc rời khi sau đi xua đuổi tàu cá Philippines ở Biển Đông

Thế giớiThứ Năm, 03/03/2016 04:47:00 +07:00Google News

Philippines ngày 2/3 cho biết, các tàu Trung Quốc mà Philippines cáo buộc xua đuổi tàu cá nước này ở rạn san hô Quirino ở Biển Đông đã rời đi.

Philippines ngày 2/3 cho biết, các tàu Trung Quốc mà Philippines cáo buộc xua đuổi tàu cá nước này ở rạn san hô Quirino ở Biển Đông đã rời đi.

Theo ABC News, phía Philippines cho biết các tàu tuần duyên của Trung Quốc đã xuất hiện tại khu vực nói trên từ 2 tuần trước, tuy nhiên, khi Chính phủ Philippines kiểm tra lại vào ngày 2/3 thì các tàu này đã rời đi.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố, từ cuối năm 2015, Bộ Giao thông nước này đã điều tàu để xua đuổi các tàu cá xuất hiện gần rạn san hô Quirino mà Trung Quốc cáo buộc có thể đe dọa an ninh hàng hải ở khu vực.
Hình ảnh vệ tinh rạn san hô Quirino
Hình ảnh vệ tinh rạn san hô Quirino 
Ông Hồng Lỗi cho biết, tàu Trung Quốc “đã thuyết phục các tàu cá rời khỏi vùng biển nói trên để đảm bảo an ninh hàng hải tại đây” và nói thêm rằng sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các tàu Trung Quốc đã rời khỏi đây.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, ông không rõ các tàu Trung Quốc có quay lại nữa không và Bộ Quốc phòng nước này đang theo sát tình hình. “Có thể ngày mai họ lại quay lại, có thể không”, ông del Rosario nói.

Thị trưởng Kalayaan Eugenio Bito-onon cho biết, trong chuyến bay thị sát rạn san hô Quirino hồi tuần trước, ông đã chứng kiến tàu Trung Quốc xuất hiện tại đây trong 2 ngày liên tiếp.

Tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết, Mỹ đang xem xét báo cáo về sự hiện diện của các tàu Trung Quốc nhưng chưa thể xác nhận thông tin này. Tuy nhiên, ông Toner cảnh báo, Mỹ không muốn chứng kiến cảnh Trung Quốc dùng tàu của mình dọa dẫm các tàu cá hoạt động trong khu vực.

Trong một diễn biến khác, Thị trưởng Bito-onon cáo buộc các máy bay của Philippines hoạt động gần đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa đều bị lực lượng quân đội Trung Quốc đồn trú ở bãi Subi [bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và cải tạo phi pháp thành đảo nhân tạo] gần đó xua đuổi.

“Khi bay qua đó, bạn sẽ nghe được cảnh báo [từ phía Trung Quốc] rằng: “Bạn đang bay trong khu vực an  ninh của chúng tôi. Đề nghị rời khỏi đó ngay lập tức để tránh những hành động không đáng có], ông Bito-onon nói.

Mỹ và nhiều nước châu Á đã bày tỏ lo ngại về hành động cải tạo phi pháp của Trung Quốc đối với bãi đá ở Biển Đông thành các đảo nhân tạo và nhấn mạnh, hành động này làm leo thang căng thẳng, đe dọa sự ổn định và vi phạm quyền tự do đi lại trong khu vực.

Tại New Delhi, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris bày tỏ sự ủng hộ đối với cách tiếp cận theo hướng hòa bình của Ấn Độ đối với tình hình căng thẳng trong khu vực trong khi chỉ trích “một số nước cố tình chèn ép các nước nhỏ” [ám chỉ Trung Quốc].

“Quyền tự do đi lại trong hải phận và không phận quốc tế không phải là đặc quyền dành riêng cho những nước giàu mạnh”, ông Harris nói: “Đó là quyền cơ bản dành cho mọi quốc gia”.

Nguồn: VOV

Bình luận
vtcnews.vn