Hình ảnh vệ tinh do công ty Planet Labs chụp khi tàu ngầm USS Connecticut đang neo đậu ở căn cứ Guam gần đây cho thấy, vòm sóng âm (sonar) ở mũi tàu được tháo ra. Điều đó chứng tỏ hệ thống định vị thủy âm này đã bị hư hại sau vụ va chạm và cần được thay thế.
Trong khi đó, các bộ phận trên thân tàu không bị nứt cho thấy lò phản ứng hạt nhân vẫn hoạt động bình thường, phù hợp với thông tin mà hải quân Mỹ đưa ra sau vụ va chạm.
"Gần như chắc chắn tàu USS Connecticut va chạm trực diện làm nứt vòm sóng âm, hệ thống cảm biến quan trọng nhất của tàu. Điều này khiến tàu ngầm trở nên ‘mù và điếc’ khi di chuyển dưới nước”, nhà quan sát quân sự Antony Wong cho hay.
Trước đó, hải quân Mỹ cho biết tàu ngầm hạt nhân tấn công USS Connecticut va phải một vật thể dưới mặt nước vào chiều 2/10, khi hoạt động trên vùng biển quốc tế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời cho biết tàu không bị hư hại và lò phản ứng hạt nhân vẫn hoạt động ổn định.
Tuy nhiên, hải quân Mỹ không cho biết vị trí xảy ra vụ việc hay mức độ thiệt hại.
Mười hai ngày trước, tổ chức Sáng kiến đánh giá tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc Đại học Bắc Kinh đăng tải một ảnh vệ tinh độ phân giải thấp kèm chú thích Trung Quốc phát hiện một tàu ngầm - khả nghi tàu lớp Seawolf, di chuyển cách quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) 43 hải lý.
Không nhiều thông tin chi tiết về vụ va chạm của tàu USS Connecticut ở Biển Đông được công bố. Hải quân Mỹ cũng đã mở điều tra để đánh giá, làm rõ vụ va chạm của tàu ngầm USS Connecticut. Tuy nhiên, tính đến hôm 26/10, các điều tra viên vẫn chưa xác định được USS Connecticut va phải vật thể gì dưới nước.
Quan chức hải quân Mỹ cũng đã nêu giả thuyết tàu ngầm USS Connecticut va phải núi ngầm dưới Biển Đông, song các điều tra viên chưa xác nhận điều này.
Hôm 8/10, tàu USS Connecticut đến căn cứ hải quân Guam sau gần một tuần di chuyển nổi trên mặt nước Thái Bình Dương từ Biển Đông.
Bình luận