Một số nghiên cứu cho thấy, mỗi người dành tới 3,5 tháng trong cuộc đời để nhấn tắt chuông báo thức. Nhiều người dùng cách này để cố kéo dài thời gian ngủ, không biết rằng đây là hành vi gây hại.
Theo Bright Side, các nhà khoa học đã thực hiện một nghiên cứu và phát hiện ra rằng thói quen tắt chuông báo thức rồi ngủ tiếp có thể ảnh hưởng đến cân nặng, làn da và thậm chí sức khỏe sinh sản.
Tắt chuông báo thức rồi ngủ tiếp nguy hại thế nào?
Thói quen nhấn nút tạm dừng báo thức, để chuông báo lặp lại nhiều lần có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe.
Rối loạn chu kỳ giấc ngủ.
Khoảng 2 giờ trước khi thức dậy, cơ thể chúng ta bắt đầu chuẩn bị để bắt đầu một ngày mới. Nhiệt độ cơ thể tăng và giải phóng các chất giúp bạn tỉnh táo. Khi bạn tỉnh sau tiếng chuông báo thức, cơ thể đã sẵn sàng cho quá trình thức dậy. Nhưng nếu nhấn nút báo lại và ngủ tiếp, bạn có thể cảm thấy buồn ngủ và mệt mỏi hơn sau khi thức giấc do rối loạn chu kỳ giấc ngủ.
Mệt mỏi hơn vào ban ngày
Tắt chuông báo thức rồi ngủ tiếp, bù bạn nghĩ rằng ít phút ngủ thêm ấy sẽ giúp bạn có nhiều năng lượng hơn trong ngày, nhưng thực tế lại không phải vậy. Một cuộc khảo sát trên gần 20.000 người cho thấy, người hay ngủ nướng có xu hướng cảm thấy mệt mỏi hơn vào ban ngày. Việc ngủ lại nếu diễn ra thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng thiếu ngủ kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Sức khỏe đường ruột kém đi
Việc thay đổi thời gian ngủ và thức dậy sẽ làm rối loạn đồng hồ sinh học bên trong cơ thể, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Cơ thể sẽ không biết thời điểm cần đi ngủ và thức dậy, dẫn đến tình trạng trằn trọc cả đêm và ngủ ít hơn mức cần thiết. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, dẫn đến rối loạn chuyển hóa, sa sút sức khỏe đường ruột và tiềm tàng nguy cơ tăng cân.
Da dễ nổi mụn
Làn da cũng không thoát khỏi tác động tiêu cực khi chúng ta liên tục nhấn nút báo thức lại. Tình trạng thiếu ngủ kéo dài có thể làm gia tăng hormone gây căng thẳng, quá nhiều bã nhờn được tiết ra và lỗ chân lông bị tắc, da trở nên nhạy cảm hơn và xuất hiện mụn.
Hệ thống miễn dịch suy yếu
Việc ngủ lại thường xuyên cũng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của bạn. Mặc dù việc ngủ thêm vài phút có thể giúp bạn cảm thấy thư thái nhưng khi thành thói quen, nó sẽ gây tác động tiêu cực. Việc ngủ lại liên tục làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến bạn thường xuyên bị ốm.
Gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt
Những thay đổi trong thói quen ngủ có thể ảnh hưởng đến hormone sinh sản, gây ra căng thẳng và khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn, thậm chí mất kinh.
Nếu bạn thường xuyên tắt chuông báo thức rồi ngủ tiếp, hãy xem xét thay thế bằng những thói quen lành mạnh hơn như :
- Tăng hoạt động thể chất: Đi bộ ít nhất nửa giờ mỗi ngày để cải thiện thói quen ngủ.
- Đặt báo thức ở xa khỏi giường ngủ, điều này giúp bạn không dễ dàng nhấn nút báo lại khi thức dậy.
- Bật đèn lên khi thức dậy vào sáng sớm để tỉnh táo hơn.
- Sử dụng đồng hồ báo thức không có tính năng nhấn nút báo lại.
Bình luận