• Zalo

Tập trận RIMPAC 2020: Thu hẹp quy mô, ưu tiên chống tàu ngầm và hạm nổi

Quân sựThứ Tư, 19/08/2020 13:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tập trận RIMPAC năm nay thu hẹp về quy mô, nội dung diễn tập ưu tiên chống tàu ngầm và chống hạm nổi.

Cuộc tập trận hải quân đa quốc gia lớn mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm 2020 do Mỹ dẫn đầu đã được bắt đầu vào hôm 17/8. Tập trận RIMPAC năm 2020 sẽ diễn ra từ ngày 17-31/8 tại vùng biển gần quần đảo Hawaii với chủ đề “Khả năng, thích ứng và đối tác”.

RIMPAC diễn ra 2 năm một lần và là hoạt động quân sự có sự tham gia của nhiều nước trong khu vực, được tổ chức lần đầu năm 1971, nhằm duy trì quan hệ hợp tác giữa hải quân các nước để đảm bảo an toàn cho những tuyến đường biển cùng an ninh liên đại dương.

Cuộc diễn tập được tổ chức tại khu vực quanh quần đảo Hawaii và vùng biển phía nam bang California. Tuy nhiên, tập trận RIMPAC diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như dịch COVID-19 đang hoành hành tại nhiều nơi trên thế giới. Điều này đã ảnh hưởng đến quy mô cũng nội dung ưu tiên của cuộc tập trận.

Tập trận RIMPAC 2020: Thu hẹp quy mô, ưu tiên chống tàu ngầm và hạm nổi - 1

Tàu USS Essex đang ở Hawaii để tham gia cuộc tập trận RIMPAC. (Ảnh: U.S. Air National Guard)

Quy mô thu hẹp

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, quy mô tập trận RIMPAC cũng đã được thu hẹp. Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến hôm 17/8, Scott Conn, Phó Tư lệnh Hạm đội 3, Hải quân Mỹ, chỉ huy cuộc diễn tập, cho biết do đại dịch COVID-19, RIMPAC năm nay đã bị thu nhỏ đáng kể quy mô, với chỉ 10 quốc gia, 22 tàu mặt nước và một tàu ngầm cùng 5.300 binh sĩ tham gia.

Các quốc gia tham gia tập trận năm nay gồm Australia, Brunei, Canada, Pháp, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Philippines, Singapore và chủ nhà Mỹ. Như vậy, số quốc gia tham gia tập trận giảm mạnh so với con số 26 quốc gia của năm 2018.

Tại cuộc diễn tập RIMPAC lần trước diễn ra tháng 6 - 8/2018, có sự góp mặt của 45 tàu mặt nước, 5 tàu ngầm và khoảng 25.000 binh sĩ tới từ 24 quốc gia. Trong cuộc diễn tập này, khu trục hạm USS Dewey của Mỹ bắn thử 20 quả đạn siêu tốc (HVP) bằng pháo MK-45.

Bên cạnh đó, để ngăn ngừa COVID-19 lây lan, RIMPAC 2020 sẽ chỉ tập trung vào các hoạt động trên biển. Căn cứ tại Trân Châu cảng được sử dụng để hỗ trợ về mặt hậu cần song sẽ hạn chế việc cho phép binh lính lên bờ.

"Toàn bộ hoạt động diễn ra trên biển", Phó Tư lệnh Hạm đội 3, Hải quân Mỹ Scott Conn nói và cho biết dù quy mô RIMPAC 2020 bị thu hẹp, sự kiện vẫn sẽ đáp ứng mục tiêu xây dựng khả năng tương tác và niềm tin giữa các lực lượng quân sự trong khu vực.

Thông thường, các cuộc tập trận RIMPAC thường kéo dài khoảng một tháng, song cuộc diễn tập năm nay sẽ chỉ kéo dài tới ngày 31/8, trong khi hoạt động diễn tập của các lực lượng trên bộ đã bị hủy do có nhiều binh sỹ Hải quân Mỹ nhiễm bệnh.

Trung Quốc bị "gạt" khỏi danh sách

RIMPAC vốn được Mỹ và Trung Quốc xem là một giải pháp xoa dịu căng thẳng và giảm rủi ro tính toán sai lầm. Tuy nhiên, năm nay Mỹ tiếp tục “gạch tên” Trung Quốc khỏi tập trận RIMPAC-2020. Giới phân tích cho rằng, đây là động thái của Washington để phản đối những hành động hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông thời gian qua, trong khi các nước đang tập trung đối phó với dịch COVID-19.

Trong năm 2014 và 2016, Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC, nhưng đến năm 2018, Mỹ rút lại lời mời Trung Quốc để phản đối hành động quân sự hóa Biển Đông sai trái của nước này. Lầu Năm Góc cũng tin rằng, mục đích chính của Trung Quốc khi tham gia diễn tập RIMPAC là nhằm củng cố các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với Biển Đông.

Tập trận RIMPAC 2020: Thu hẹp quy mô, ưu tiên chống tàu ngầm và hạm nổi - 2

Tàu khu trục JMSDF JS Ashigara của Hải quân Canana tham gia tập trận RIMPAC 2020. (Ảnh: Hải quân Hoàng gia Canada)

"Với việc tiếp tục loại Bắc Kinh khỏi RIMPAC, Mỹ đã gửi đi thông điệp rõ ràng rằng Trung Quốc đang đứng ngoài thông lệ quốc tế", giáo sư Carl Schuster từ Đại học Thái Bình Dương Haiwaii nêu quan điểm. Ông nhấn mạnh rằng chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama mời Trung Quốc tham gia RIMPAC 2016 sau khi Chủ tịch Tập cam kết không quân sự hóa Biển Đông.

"Việc rút lại lời mời Trung Quốc là đòn giáng mạnh về mặt ngoại giao, cho thấy Mỹ không tin họ. Điều này giúp Bắc Kinh hiểu rằng họ sẽ phải đối mặt với hậu quả ngoại giao và kinh tế nếu tiếp tục gây hấn ở Biển Đông", chuyên gia Schuster nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CBSA) Mỹ, trước đây Lầu Năm Góc đã phải cân nhắc rất kỹ khi mời Trung Quốc tham gia RIMPAC. "Sự xuất hiện của Trung Quốc tại RIMPAC mang theo rủi ro lớn, đặc biệt là khả năng nước này thu thập tin tức tình báo", CBSA cho hay.

"Trung Quốc đang phát triển các năng lực hiện đại, vì thế việc mời họ tham gia tập trận RIMPAC không có tác dụng ngăn chặn hay thay đổi hành vi", chuyên gia Bryan Clark nói.

Tập trung vào chống tàu ngầm và chống hạm nổi

Chỉ huy cuộc tập trận RIMPAC 2020, Scott Conn, cho biết trong hai tuần diễn ra RIMPAC, các binh sĩ sẽ "tập trung vào huấn luyện tác chiến trên biển, gồm chiến tranh chống tàu ngầm chống hạm nổi, các hoạt động ngăn chặn tàu bè trên biển và huấn luyện bắn đạn thật".

Ông Scott Conn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc tập trận là đưa hải quân các nước lại gần nhau trong bối cảnh có nhiều thách thức hàng hải tại Thái Bình Dương, từ quản lý ngư nghiệp cho đến các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc đang có nguy cơ bùng nổ thành xung đột lớn trong khu vực. RIMPAC được thiết kế để thúc đẩy và duy trì các mối quan hệ hợp tác quan trọng, nhằm đảm bảo an toàn cho tuyến đường biển và an ninh cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “tự do, cởi mở”.

Tập trận RIMPAC 2020: Thu hẹp quy mô, ưu tiên chống tàu ngầm và hạm nổi - 3

Các thủy thủ gắn tên lửa hành trình chống hạm Harpoon lên tàu ngầm tấn công nhanh lớp Los Angeles USS Olympia (trong khuôn khổ cuộc tập trận RIMPAC ngày 3/7/2018. (Ảnh US Navy)

Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc John Aquilino khẳng định: “Tình hình an ninh ngày càng leo thang tại Thái Bình Dương đặt ra yêu cầu cấp thiết rằng các nước có chung lập trường phải xây dựng lòng tin và sức mạnh tập thể, nhằm đảm bảo một khu vực Thái Bình Dương luôn tự do và mở cửa đối với tất cả các quốc gia”.

“Chúng tôi cam kết và có khả năng bảo vệ các đồng minh và đối tác trên toàn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Cách tiếp cận linh hoạt với RIMPAC 2020 tạo ra sự cân bằng hợp lý giữa việc chống lại các đối thủ trong tương lai và mối đe dọa từ đại dịch COVID-19”, Đô đốc Aquilino nói.

Trước đó, người phát ngôn Hạm đội 3 Hải quân Mỹ John Fage cũng khẳng định RIMPAC sẽ củng cố sự liên minh để "đảm bảo một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở".

Kông Anh(Nguồn: Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn