• Zalo

Tăng trưởng mạnh, chất lượng cuộc sống cải thiện nhưng nợ ngắn 'chồng' nợ dài

Kinh tếThứ Ba, 22/03/2016 05:35:00 +07:00Google News

Việt Nam đang được các tổ chức trên thế giới đánh giá cao về tốc độ tăng trưởng và nỗ lực cải thiện chất lượng cuộc sống

(VTC News) - Dù Việt Nam đang được các tổ chức trên thế giới đánh giá cao về tốc độ tăng trưởng cũng như nỗ lực cải thiện chất lượng cuộc sống, nhưng cũng đã đến lúc Việt Nam phải nghiêm túc nhìn vào những món nợ "khủng" mà mình sẽ phải trả trong những năm tới.

Moody's dự báo Việt Nam vẫn tăng trưởng vượt bậc trong 2016 - 2017


Trong báo cáo mới nhất về triển vọng tăng trưởng của các quốc gia trong khu vực ASEAN, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service dự đoán tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn sẽ phát triển vượt bậc trong năm 2016 và 2017 dù lực cầu thế giới yếu đi.

Xuất khẩu đang tăng trưởng chậm lại trên toàn khu vực này, tuy nhiên mỗi nền kinh tế lại hứng chịu tác động khác nhau, tuy vào tỷ trọng thương mại đối với GDP.

Moody's cho biết tổng giá trị thương mại, tính cả xuất khẩu và nhập khẩu, chiếm khoảng 346% GDP của Singapore (Aaa, ổn định); 131% của Malaysia (A3, ổn định) và 130% GDP của Thái Lan (Baa1, ổn định); cao hơn nhiều so với mức 41% GDP của Indonesia (Baa3, ổn định) và 58% của Philippines (Baa2, ổn định).

Triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế lớn phụ thuộc vào xuất khẩu trong khu vực ASEAN như Singapore, Malaysia và Thái Lan sẽ kém sắc hơn so với những nước phụ thuộc vào nhu cầu nội địa như Indonesia và Philippines trong năm 2016 – 2017, ông Rahul Ghosh, Phó chủ tịch Moody's, dự đoán.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng vượt bậc nhờ hoạt động sản xuất tích cực và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh.

Hiện Việt Nam đang được Moody’s xếp hạng tín nhiệm ở mức B1 cùng triển vọng ổn định.
Thu nhập 5.200 USD nhưng chất lượng cuộc sống của dân Việt Nam ngang với dân thu nhập 10.000 USD

Theo báo cáo Đánh giá phát triển kinh tế bền vững do Công ty tư vấn quản lý Boston Consulting Group (BCG) thực hiện, Việt Nam đứng thứ 4 trên tổng số 149 quốc gia về năng lực chuyển đổi mức độ thịnh vượng về mặt kinh tế sang chất lượng cuộc sống của người dân, chỉ sau 3 nước Moldova, Kyrgyzstan, và Nepal.

Với chỉ số GDP/người (dựa trên ngang giá sức mua) chỉ đạt gần 5.200 USD, nhưng Việt Nam lại thuộc nhóm các quốc gia có biểu đồ phát triển ổn định, có khả năng đạt chất lượng sống của người dân ngang bằng với các quốc gia có GDP/người trung bình là 10.000 USD.

“Nếu đang ở một quốc gia có GDP/người đạt 10.000 USD và mức GDP được phân bổ đều, thì người dân quốc gia này hẳn rất hạnh phúc. Nhưng nếu với thu nhập 10.000 USD mà phúc lợi liên quan đến chăm sóc sức khoe, giáo dục, hay chất lượng không khí bị suy giảm, thì mức thu nhập này không mang nhiều ý nghĩa”, ông Chris Malone – thành viên hợp danh của công ty BCG, chuyên gia tư vấn phát triển kinh tế tại Việt Nam nhìn nhận.

Cũng theo báo cáo này, Việt Nam đã đạt kết quả ở mức trên trung bình về khả năng chuyển đổi sự phát triển kinh tế thành những nỗ lực cải thiện chất lượng sống cho người dân.

"Nếu không chuyển được sự thịnh vượng về mặt kinh tế thành chất lượng cuộc sống thì giá trị của sự tăng trưởng kinh tế là gì? Không những Việt Nam đang làm tốt mà Việt Nam còn đang ở trên cả Thái Lan, Nhật Bản, Đức, Australia…”, ông Chris bổ sung.

SEDA đo chất lượng cuộc sống người dân thông qua 3 yếu tố nền tảng, thể hiện trên 10 phương diện gồm: Thu nhập, Ổn định kinh tế, Việc làm, Y tế, Giáo dục, Cơ sở hạ tầng, Công bằng về thu nhập, Xã hội dân sự, Quản trị Nhà nước, Môi trường.

Việt Nam có 4 lĩnh vực đang làm rất tốt, thậm chí tốt hơn cả mức trung bình của Malaysia, Philippines, Thái Lan và Indonesia, bao gồm: Ổn định kinh tế, Y tế, Giáo dục, Xã hội dân sự. Tuy nhiên, vẫn còn 3 lĩnh vực chính mà Việt Nam cần giải quyết là: Lao động – Việc làm, Cơ sở hạ tầng, Dịch vụ công và Quản trị nhà nước.

Nợ công Việt Nam sẽ "lên đỉnh" giai đoạn 2022 - 2025

Sáng ngày 22/3, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, thời điểm nợ công phải trả nhiều nhất là giai đoạn năm 2022 - 2025 mà mỗi năm Chính phủ sẽ phải dành khoảng 155.000 tỷ đồng để trả nợ.

Giai đoạn trước mắt, theo đại diện Bộ Tài chính, ngân sách nhà nước đang phải tập trung xử lý những khoản vay ngắn hạn trong nước. Đặc biệt, những khoản Chính phủ vay trong giai đoạn 2011-2013, với 70% vốn huy động thông qua tín phiếu, trái phiếu kỳ hạn 3-5 năm, nay tới kỳ hạn phải trả.

Trước năm 2010, Việt Nam vẫn là nước thu nhập thấp, nên các khoản vay thường ưu đãi nước ngoài có kỳ hạn dài từ 30-40 năm, lãi suất thường dưới 1%/năm.

Tuy nhiên, từ năm 2010 tới nay, Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình, nên nguồn vốn ưu đãi cũng giảm dần, thời gian vay chỉ còn từ 20-25 năm (thậm chí chỉ 15 năm), lãi vay khoảng 2%/năm. Thậm chí, một số nhà tài trợ chuyển sang vốn hỗn hợp (vừa hỗ trợ, vừa cho vay thương mại).

Theo kế hoạch, tháng 7/2017, Ngân hàng Thế giới (WB), sẽ tuyên bố chấm dứt ODA với Việt Nam. Sau đó Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các nhà tài trợ song phương cũng chuyển dần hình thức hỗ trợ Việt Nam. Việt Nam sẽ phải tiếp cận nguồn vốn vay thương mại.

Cùng với kết thúc cho vay ODA (tốt nghiệp ODA), theo ông Long, Việt Nam sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ nhanh (như khoản vay 20 năm, sẽ phải trả trong 10 năm), hoặc tăng chi phí vốn (lãi suất từ 2% lên 3%).

“Thời gian từ nay tới tháng 7/2017, chúng ta phải tranh thủ tối đa ngồn vốn ODA còn lại để đầu tư cho hạ tầng. Đồng thời chuyển đổi cơ chế, để khi tốt nghiệp ODA sẽ sẵn sàng bước sang giai đoạn mới”, ông Long nói.


Về nghĩa vụ trả nợ, ông Long cho biết, hiện khoản vay dài nhất của Việt Nam là tới năm 2055. Tuy nhiên, bình quân các khoản nợ phải trả hiện nay khoảng 12 năm. Vì vậy, thời điểm Việt Nam phải trả nợ nhiều là từ năm 2022-2025. Ông Long cho hay, Chính phủ đang làm việc với WB để có lộ trình trả nợ, hạn chế tối đa tác động trả nợ nhanh tới ngân sách nhà nước và chủ đầu tư sử dụng vốn ODA.

Tiệp Tiệp (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn