Báo cáo của Bộ GTVT được Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa ký gửi Phó Thủ tướng sau khi Tổng cục Đường bộ tiến hành lấy ý kiến các hiệp hội, ban an toàn giao thông (ATGT) các tỉnh, sở GTVT các tỉnh…
Kết quả lấy ý kiến của tổng cục này cho thấy: Có 37 đơn vị đồng thuận với quy định của Thông tư 91/2015 của Bộ GTVT, trong đó có 29 đơn vị đồng thuận cao, đề nghị không cần sửa đổi (bao gồm Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội An toàn giao thông Việt Nam, Học viện Kỹ thuật quân sự, hai cục quản lý đường bộ, 6 ban ATGT các tỉnh và 18 sở GTVT), 8 đơn vị còn lại đề nghị cắm biển báo, tổ chức giao thông tại các điểm hay xảy ra tai nạn, các đoạn đường xấu.
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra, có 10 đơn vị (gồm Cục CSGT, 5 ban ATGT các tỉnh, 4 sở GTVT) đề nghị giảm tốc độ ở hai phương án: Đề nghị giảm tốc độ tại đường đô thị và quy định tốc độ theo nhóm phương tiện trên từng cấp đường.
Bộ GTVT cũng đánh giá, qua 1 năm thực hiện Thông tư 91 (từ tháng 3/2016 đến tháng 3/2017), tổng thể tình hình ATGT được cải thiện, giảm cả về số vụ tai nạn giao thông (TNGT), số người chết, số người bị thương dù lượng ô tô tăng hơn 370 nghìn chiếc, xe máy tăng 3,5 triệu chiếc.
Bộ này cũng cho biết, không có sự biến động TNGT bất thường liên quan đến tốc độ. Trước đó, lãnh đạo Cục CSGT cho hay, việc tăng tốc độ quy định trong thông tư 91 là nguyên nhân chính khiến TNGT gia tăng.
Theo Bộ trưởng GTVT, Luật Giao thông đường bộ quy định Bộ GTVT có trách nhiệm quy định tốc độ lưu thông xe và việc đặt biển báo tốc độ. Trước khi ban hành Thông tư 91, Bộ GTVT đã lấy ý kiến Cục CSGT, các Ban ATGT, Sở GTVT các tỉnh, các hiệp hội, tham khảo quy định một số nước.
“Không phải quy định giảm tốc độ là giảm được TNGT, nhiều khi lại có tác động ngược (nhiều khi dẫn đến ùn ứ giao thông, gây ức chế, khiến tình trạng vượt nhau, lấn làn, chạy bù thời gian gây va chạm, TNGT)” - Báo cáo của Bộ GTVT nêu. Từ đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chưa sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư 91.
Cắm nhiều biển làm lái xe mất tập trung
Bộ GTVT nêu khả năng điều chỉnh chi tiết tại một số điểm có nguy cơ TNGT cao và điều này đã được quy định ngay trong thông tư 91.
Trong báo cáo gửi Bộ GTVT, Tổng Cục trưởng Đường bộ Nguyễn Văn Huyện phân tích: “Thông tư 91 chỉ quy định khung tốc độ tối đa cho phép tại các vị trí không cắm biển tốc độ; còn những vị trí có những yêu cầu đặc biệt, cần thiết khác (điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, khu vực có công trường xây dựng, khu công nghiệp…) thì căn cứ điều kiện cụ thể để có thể tổ chức giao thông, cắm biển tốc độ tối đa cho phép nếu cần thiết”.
Bộ GTVT cũng báo cáo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giải pháp: Các cơ quan quản lý phải rà soát, phát hiện các điểm đen, mất ATGT để xử lý. Trong thời gian chưa xử lý được căn cơ, triệt để thì có các biện pháp tổ chức giao thông phù hợp, trong đó có việc cắm biển báo tốc độ, có thể hạn chế tốc độ theo giờ, theo nhóm phương tiện.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nguyễn Văn Thanh cho hay, ông rất đồng tình với việc Bộ GTVT không đồng ý giảm tốc độ lưu thông phương tiện theo đề nghị của Cục CSGT. “Đường sá được cải thiện nhiều trong những năm qua. Việc tăng tốc độ giúp thời gian vận chuyển giảm mang lại lợi ích kinh tếxã hội to lớn.
Các thống kê cho thấy, không có mối liên quan nào giữa tăng tốc độ và TNGT. Vì vậy, việc đề nghị giữ nguyên quy định về tốc độ tại Thông tư 91 là hợp lý. Như thế đồng thời giải tỏa nghi vấn cho rằng, CSGT muốn hạ tốc độ để xử phạt, thậm chí là tiêu cực khi xử lý” - ông Thanh nói.
Với các vị trí dễ xảy ra TNGT, ông Thanh đồng tình quan điểm cho rằng, cần kiểm soát tốc độ nhưng phải xem xét kỹ lưỡng, hạn chế thực hiện. “Khi điều khiển phương tiện, lái xe cần quan sát tối đa phía trước; nếu bên đường quá nhiều biển báo sẽ làm mất tập trung, gây căng thẳng cho lái xe. Vì thế, việc cắm thêm các biển báo hạn chế tốc độ bên cạnh các biển báo khác cần hết sức cân nhắc” - ông Thanh nói.
Ông Thanh cũng dẫn trường hợp cùng trên tuyến đường BOT Hà Nội - Bắc Giang nhưng riêng đoạn từ Hà Nội - Bắc Ninh lại quy định có làn chỉ đạt tốc độ 70 km/h, không bằng tốc độ chung của QL 1A, dù tuyến đường này đạt chất lượng tốt hơn QL 1A, gần bằng chuẩn cao tốc là bất hợp lý. “Điều này khiến cho lái xe chạy đường dài bất ngờ, mất tập trung”, ông Thanh nói.
Video: Bị CSGT bắn tốc độ, người vi phạm có quyền gì
Thông tư 91 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xếp vào danh sách 30 văn bản quy phạm pháp luật tốt nhất cho môi trường kinh doanh trong giai đoạn 2011 - 2015 và được xếp ở vị trí số 13 với đánh giá: “Tốc độ cho phép hiện nay của Việt Nam vẫn thấp hơn một số quốc gia khác trong khu vực và thấp hơn rất nhiều so với các nước phát triển trên thế giới”. VCCI nhận định, quy định này giúp giảm chi phí về thời gian, nhiên liệu, khấu hao phương tiện, hạ tầng giao thông vận tải.
Theo Thông tư 91, phương tiện lưu thông đã được nâng tốc độ tối đa 10 km với đường đôi, đường một chiều ở khu vực ngoài đô thị. Trong đô thị, Thông tư quy định tốc độ tối đa của các phương tiện lưu thông trên đường đôi, đường 1 chiều là 60 km/h; đường 2 chiều, đường 1 chiều hẹp là 50 km/h.
Trong khi, thông tư cũ không phân biệt các loại đường trong đô thị mà phân chia theo nhóm phương tiện với tốc độ tối đa là 50 km/h. Sau gần 1 năm triển khai Thông tư 91, nhiều lần lãnh đạo Cục CSGT đề nghị giảm tốc độ lưu thông trong đô thị.
>>> Đọc thêm: Chi tiết các mức phạt ôtô, xe máy chạy quá tốc độ
Bình luận