Theo trang Science Alert, một tảng đá đen tìm thấy ở Maroc vào năm 2018 được nhận định là thiên thạch mạo hiểm rời Trái đất ra ngoài vũ trụ rồi quay trở lại nơi bắt đầu. Các chuyên gia đặt tên cho tảng đá là NWA 13188 - thiên thạch đầu tiên thực hiện chuyến đi khứ hồi phi thường.
Thiên thạch này nặng 646 gram. Sau khi phân tích thành phần, các chuyên gia phát hiện kết cấu của thiên thạch NWA 13188 được hình thành từ các khoáng chất nóng chảy do núi lửa tạo ra trên Trái Đất. Nó có thể được phóng ra khỏi Trái Đất do hoạt động của núi lửa.
Sau khi thực hiện hành trình phi thường ngoài vũ trụ, cấu trúc của tảng đá đã thay đổi. Nó chứa lượng lớn Helium-3, Beryllium-10 và Neon-21. Đây là những bức xạ được tìm thấy ngoài không gian, nhưng phần lớn bị chặn bởi từ trường của Trái Đất.
Mặc dù nồng độ của các đồng vị này thấp hơn so với các thiên thạch khác, nhưng nó vẫn cao hơn đáng kể so với các loại đá có nguồn gốc từ Trái Đất. Điều này mở ra khả năng rằng thiên thạch này đã tiếp xúc với các tia vũ trụ trong khoảng thời gian lên tới hàng chục nghìn năm.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng núi lửa phóng tảng đá vào không gian. Họ cho rằng, để đi vào quỹ đạo, một tảng đá bắn ra từ miệng núi lửa sẽ cần phải di chuyển với tốc độ hàng chục nghìn km/h. Tuy nhiên, điều này là khó xảy ra vì nó cao hơn nhiều so với tốc độ bay trung bình của hầu hết các tảng đá khác.
Bên cạnh đó, các cột khói núi lửa cao nhất thường chỉ cách bề mặt Trái Đất khoảng 31 - 45km, khiến việc phóng đá vào không gian do hoạt động núi lửa là điều bất khả thi.
Một giả thuyết khác được đặt ra là khi một thiên thạch khác đâm vào Trái Đất đã tạo ra lực khiến tảng đá văng trở lại vào không gian.
Đáng nói, những phát hiện trước đây đã chỉ ra rằng đá Trái Đất có thể được tìm thấy trên các thiên thể khác, chẳng hạn như Mặt Trăng, cho thấy rằng đá có nguồn gốc từ Trái đất có thể được phóng vào không gian và sau đó được bồi tụ lại. Điều này làm tăng thêm giả thuyết về thiên thạch NWA 13188 và câu chuyện nguồn gốc của nó.
Bình luận