Cuối giờ chiều, cũng là giờ cao điểm của giới tài xế xe công nghệ nhưng anh Lê Minh Tuấn (Thanh Xuân, Hà Nội) tài xế taxi Xanh SM vừa phải tắt app, từ chối chở khách để đi tìm nơi sạc xe, tiếp nhiên liệu.
Theo anh Tuấn, thường ngày anh sẽ bắt đầu chạy xe từ 6h, với cường độ chạy liên tục, khoảng 17h lượng pin chiếc xe điện của anh sẽ về mức thấp cần phải nạp nhiên liệu. Nếu không lưu ý thời gian này thì các chuyến xe của anh dễ bị gián đoạn.
Tuy nhiên, khoảng thời gian này vừa là giờ cao điểm chở khách vừa là giờ cao điểm ở các trạm sạc điện. Chính vì thế, anh Tuấn thường khá mất thời gian chờ sạc, đồng nghĩa với việc bỏ lỡ nhiều cuốc khách.
“Cứ khoảng 17 - 18h, các trạm sạc điện thường chật kín xe, bởi gần như các xe đều chạy cả ngày, lượng pin cũng đã hao hụt hết. Trong khi đó các điểm sạc lại rải rác với số lượng trạm sạc còn ít nên chúng tôi phải chờ đợi nhau hoặc là phân bổ thời gian về điểm sạc cho hợp lý”, anh Tuấn nói.
Vì vậy, khi biết thông tin Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang đề xuất lắp các trạm sạc trong khu vực bến xe, anh Tuấn bày tỏ sự vui mừng, bởi nếu quy định này được thông qua, giới tài xế xe điện sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong việc tiếp nhiên liệu.
Theo anh Tuấn, các bến xe thường là điểm đến/đi tập trung rất nhiều khách, còn được ví là "nơi làm ăn" chính của giới xe ôm và xe công nghệ. Việc các phương tiện vận chuyển chở khách tại đây là rất thường xuyên. Nếu các trạm sạc được lắp đặt tại bến xe sẽ giảm tải rất nhiều cho các tài xế trong khâu quay đầu tìm điểm tiếp nhiên liệu.
"Chúng tôi sẽ không còn phải từ chối khách để tìm chỗ tiếp nhiên liệu rồi mới tiếp tục hành trình, cũng có thể mạnh dạn chạy cố đến địa điểm đó và không lo không tìm ra trạm sạc", anh Tuấn nói.
Ngoài ra, theo anh Tuấn, các bến xe thường có không gian rộng rãi, dễ dàng cho các xe xếp hàng đợi nhau sạc điện, không bất tiện như những trạm sạc giữa đô thị chật chội.
Cũng bày tỏ mong muốn các trạm sạc sớm được lắp đặt trong các bến xe, anh Tạ Tú Thành, một tài xế tự do chuyên sử dụng xe điện cho biết, các bến xe không chỉ có không gian lý tưởng mà còn có đội ngũ quản lý, bảo vệ đông đảo, cùng khu vực ngồi chờ được thiết kế bài bản, rất phù hợp với nhu cầu của cánh tài xế.
“Tranh thủ nghỉ trưa hay lúc vắng khách chúng tôi cũng có thể vào bến để xe đó tiếp nhiên liệu. Bản thân có thể đi nghỉ ngơi, ăn uống mà không lo về vấn đề an ninh. Nếu phát triển được các trạm sạc trong bến xe thì quá tiện lợi”, anh Thành nói.
Trong khi đó, anh Nguyễn Thành Công (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, anh và gia đình rất thích sử dụng sản phẩm xe ô tô chạy điện, sử dụng nguyên liệu sạch.
“Nhà mình thường chỉ có nhu cầu đi lại trong nội thành, nên xe điện thực sự rất phù hợp. Thường thì 2-3 ngày mình mới phải đưa xe đi sạc. Tuy nhiên, thực tế vào thời điểm cần gấp trong các giờ cao điểm, việc sạc xe có hơi khó khăn do lượng xe chờ sạc thường quá tải”, anh Công nói.
Theo anh Công, tình trạng đó chứng tỏ nhu cầu sử dụng xe điện của người dân là khá lớn, tuy nhiên các trạm sạc đang được lắp đặt chưa rộng khắp và thực sự thuận lợi, có những điểm sạc nằm trong các khu vực đường ngõ nhỏ, chật chội.
“Các trạm sạc nằm ở đường lớn hay trung tâm thương mại thì thường xuyên quá tải, trạm sạc nhỏ thì khá bất tiện. Việc các trạm sạc được bố trí trong các bến xe sẽ giải quyết được hết những vấn đề này. Vì thế, tôi rất ủng hộ đề xuất này và mong đề xuất sớm được thông qua, triển khai để góp phần phát triển thị trường xe điện, hướng đến mục tiêu Net Zero mà Thủ tướng đã chỉ đạo”, anh Công nêu quan điểm.
Mới đây, Bộ GTVT lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Thông tư về ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách.
Theo đó, tại dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách (sửa đổi, bổ sung QCVN 45:2012/BGTVT) đang được Bộ GTVT lấy ý kiến, bên cạnh các hạng mục công trình bắt buộc như khu vực đón trả khách; bãi đỗ xe ô tô chờ vào vị trí đón khách; bãi đỗ xe dành cho phương tiện khác; phòng chờ cho hành khách...,Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định cho phép lắp đặt sử dụng trạm sạc cho xe điện trong phạm vi bến xe khách.
Tính đến nay, cả nước có 555 bến xe ô tô khách, trong đó có 390 bến xe từ loại 1 đến loại 4; còn lại 165 bến xe dưới loại 4 được xây dựng, cải tạo, nâng cấp dựa trên các quy định của Quy chuẩn QCVN 45: 2012/BGTVT.
Tháng 12/2021, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050; ngày 22/7/2022 Thủ tướng chính phủ có Quyết định số 876 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải; bên cạnh đó, trong thực tế một số hãng xe buýt, taxi...đã bắt đầu sử dụng xe điện trong vận tải hành khách.
"Vì vậy, cần bổ sung quy định về trạm sạc điện trong phạm vi bến xe khách. Bên cạnh đó, đối với lĩnh vực KH&CN có liên quan thì việc sửa đổi quy chuẩn QCVN 45:2012/BGTVT sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm hoàn thiện hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý nhà nước về hoạt động của bến xe khách trên toàn quốc", Cục Đường bộ Việt Nam nhận định.
Bình luận