Thượng tá Nguyễn Nam Hồng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Nghệ An cho biết, sau hơn 3 tháng thực hiện giám sát từ camera, đã phát hiện và gửi giấy thông báo gần 7.000 trường hợp ô tô vi phạm luật giao thông đường bộ. Trong đó, gần 2.000 trường hợp đã chấp hành xử phạt hành chính. Tổng số tiền xử phạt là hơn 2,5 tỷ đồng.
Theo đó, Phòng CSGT Nghệ An theo dõi camera giám sát từ ngày 1/8, bước đầu cho thấy những thuận lợi từ hệ thống này như: Giám sát được nhiều điểm một cách khách quan, minh bạch, không phân biệt bất kỳ phương tiện và đối tượng nào khi tham gia giao thông.
“Giảm lực lượng CSGT tham gia tuần tra, kiểm soát mà vẫn phát hiện được các phương tiện vi phạm. Cũng từ hệ thống camera này đã nâng cao ý thức chấp hành người tham gia giao thông” - thượng tá Hồng chia sẻ.
Tuy nhiên, lực lượng CSGT chỉ ra một số khó khăn như: Tình trạng phổ biến là ô tô mua bán qua nhiều chủ sở hữu mà không thực hiện quyền thủ tục sang tên đổi chủ. Do đó, khi camera phát hiện các phương tiện vi phạm, phát thông báo gửi đến địa chỉ không đúng đối tượng.
Đặc biệt, một số người cố tình che khuất biển số hay sửa các số khi đi qua các hệ thống camera giám sát tự động. Cụ thể, biển xe thay đổi số 5 thành số 6; số 3 thành số 8; số 9 thành số 8… gây khó khăn cho người giám sát camera.
Việc phát hiện, xử lý tình huống này chỉ có lực lượng CSGT tuần tra và xử lý. Mức xử phạt hành vi che biển số tối đa là 900 ngàn đồng.
Thủ tục xử lí còn rườm rà
Theo thượng tá Hồng, thủ tục quy định xử phạt hành chính đang còn rất rượm rà, gây phiền hà cho người vi phạm khi đến cơ quan chức năng nộp phạt hành chính.
Cụ thể, người vi phạm phải đến cơ quan có thẩm quyền ra thông báo để làm thủ tục ký biên bản nộp phạt. Người điều khiển vi phạm ở Hà Nội mà nơi cư trú tại Nghệ An thì phải quay trở lại để ký biên bản xử phạt.
“Chúng ta chưa tận dụng được lợi thế về công nghệ thông tin, đơn giản hoá các thủ tục xử phạt hành chính, đặc biệt là qua hệ thống camera giám sát tự động” - thượng tá Hồng cho hay.
Ngoài ra, ý thức chấp hành xử lí vi phạm của người dân không cao. Biết mình vi phạm nhưng không đến cơ quan chức năng để thực hiện xử lí vi phạm hành chính. Hầu hết, người dân chỉ khi mang xe đi làm thủ tục đăng kiểm mới đến xử phạt.
Theo thượng tá Hồng, cần có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan đăng kiểm xe cơ giới với lực lượng công an, nhằm cưỡng chế xử phạt hành chính qua hệ thống camera giám sát.
Mức xử phạt ô tô chạy quá tốc độ
- Chạy quá tốc độ từ 5 đến dưới 10 km/h sẽ xử phạt 900 ngàn đồng.
- Chạy quá tốc độ trên 10 đến 20km/h chịu xử phạt từ 3 - 5 triệu, đồng thời tước giấy phép lái xe từ 1- 3 tháng.
- Chạy quá từ 20 đến 35km/h chịu xử phạt từ khung từ 6 - 8 triệu đồng.
- Chạy quá 35km/h chịu phạt từ 10 đến 12 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.
Bình luận