Theo số liệu của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, từ ngày 15/6 đến 12/12, thành phố ghi nhận hơn 14 nghìn ôtô vi phạm thông qua camera, nhưng trong số đó chỉ khoảng 1.500 trường hợp đã nộp tiền phạt nguội.
Tỷ lệ 90% vẫn chưa đóng phạt đối với những vi phạm được ghi nhận từ tháng 6 là quá cao. Nếu cứ như vậy, không chỉ việc xử lý vi phạm kém hiệu quả, gây lãng phí khi phải đầu tư hệ thống giám sát bằng công nghệ cao mà còn gây tâm lý xem thường của chủ phương tiện.
Vậy làm thế nào để chống lại tình trạng chây ì đóng tiền phạt nguội? Tôi cho rằng chúng ta nên học tập một số nước, sau một khoảng thời gian nhất định từ khi nhận thông báo phạt nguội, nếu người vi phạm không đóng phạt thì bắt đầu cộng lãi suất ngang với mức cho vay cao nhất của ngân hàng trong thời điểm đó. Nếu vẫn tiếp tục phớt lờ thông báo phạt, đến một thời hạn nhất định, chủ xe sẽ gặp rắc rối trong việc đăng kiểm.
Điều 90 Nghị định 100 quy định, khi quá thời gian hạn đóng phạt, hệ thống đăng kiểm sẽ nhận được thông tin, ô tô vi phạm sau khi đăng kiểm sẽ chỉ nhận giấy chứng nhận có hiệu lực 15 ngày và cảnh báo vi phạm. Quá 15 ngày vẫn chưa đóng, giấy đăng kiểm sẽ hết hiệu lực. Quy định này theo tôi là đã đủ nghiêm, nhưng cần thực hiện chặt chẽ trong thực tế, và kết hợp với việc phạt lãi suất như đã nói ở trên.
Tuy nhiên, muốn áp dụng hiệu quả giải pháp này thì quy trình, hệ thống thông báo giữa cơ quan chức năng và chủ xe phải được thông suốt. Nhiều người bạn tôi cho biết, họ không hề biết mình bị phạt nguội cho đến khi mang xe đi đăng kiểm. Có người nhận được thông báo khi thời hạn cũng đã qua từ lâu. Sự chậm trễ này khiến họ vô tình trở thành kẻ chây ì nộp phạt mà không hay biết.
Thông báo phạt nguội đến chậm có thể một phần do nhiều xe đã đổi chủ, cơ quan chức năng báo tin cho chủ cũ, hoặc chủ xe thay đổi chỗ ở, số điện thoại? Đây là vấn đề khá đau đầu, chỉ có thể giải quyết một cách đồng bộ với nhiều giải pháp cùng lúc: Siết chặt hơn quy định đăng ký, sang tên sau khi xe đổi chủ (ai không thực hiện sẽ phạt nặng), cập nhật liên tục mọi thông tin mới về công dân (địa chỉ mới, số điện thoại mới) và phương tiện (xe sang tên chủ mới) lên hệ thống dữ liệu quốc gia, đảm bảo liên thông dữ liệu giữa các cơ quan chức năng.
Như vậy, khi hệ thống camera giám sát ghi nhận vi phạm giao thông, cơ quan chức năng xác định được lỗi và mức phạt, thông báo được gửi ngay cho chủ xe bằng tin nhắn và cho phường xã nơi họ cư trú bằng email, địa phương có nhiệm vụ gửi thông báo đến họ lần nữa qua tổ dân phố hoặc công an khu vực. Thời hạn nộp phạt được tính từ khi chủ xe nhận thông báo. Nếu cơ quan chức năng làm chuẩn chỉ như vậy, sẽ không chủ xe nào có thể kêu oan khi phải chịu hậu quả của sự chây ì đóng tiền phạt nguội.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.
Bình luận