• Zalo

Tài xế dùng tiền lẻ mua vé, chủ đầu tư trạm thu phí quốc lộ 5 nói gì?

Thời sựThứ Hai, 11/12/2017 16:00:00 +07:00Google News

Giám đốc Ban quản lý Bảo trì quốc lộ 5 cho rằng, việc lái xe sử dụng tiền lẻ để trả phí không sai nhưng nếu sử dụng tiền lẻ gây cản trở giao thông thì đó là hành vi vi phạm.

Video: Tài xế đồng loạt trả tiền lẻ, trạm BOT quốc lộ 5 ùn tắc kéo dài

Liên quan đến việc tài xế dùng tiền lẻ mua vé qua BOT quốc lộ 5, đoạn qua huyện Văn Lâm, Hưng Yên vào sáng 11/12, trả lời PV VTC News, ông Nguyễn Văn Huỳnh - Giám đốc Ban quản lý Bảo trì quốc lộ 5 cho hay: "Tình trạng sử dụng tiền lẻ qua trạm thu phí xảy ra thường xuyên và có từ trước thời điểm này. Để xử lý ùn tắc khi có sự cố, trạm thu phí phải có phương án xử lý.

Trong trường hợp lái xe sử dụng tiền lẻ, chúng tôi tổ chức các bộ phận tăng cường để đảm bảo việc trả tiền lẻ nhanh nhất cho khách hàng đi qua trạm, tránh ùn tắc".

Theo ông Huỳnh, lái xe nên để tiền lẻ theo từng cọc một để nhân viên đếm được nhanh tránh việc mất thời gian của những phương tiện khác. Việc sử dụng tiền lẻ của lái xe để trả phí không sai nhưng nếu sử dụng tiền lẻ gây cản trở giao thông thì đó là hành vi vi phạm.

Về việc trạm thu phí mở làn trong lúc tài xế trả tiền lẻ, ông Huỳnh thông tin, ở trạm có bộ phận hướng dẫn và camera theo dõi đảm bảo 100% việc thu phí không bị thất thoát. Bên cạnh đó, trạm lúc nào cũng chuẩn bị một lượng tiền lẻ nhất định để trả lại cho lái xe nhưng việc lái xe sử dụng tiền mệnh giá quá nhỏ và trả trong một thời gian dài như vậy sẽ gây mất rất nhiều thời gian.

Trả lời thắc mắc của nhiều tài xế về việc chưa giảm phí qua trạm như đã hứa, Giám đốc Ban quản lý Bảo trì quốc lộ 5 cho biết: "Việc giảm phí mới đang là đề xuất, chúng tôi đang chờ quyết định của Bộ GTVT".

ok 21

Tài xế dùng tiền lẻ mua vé qua trạm thu phí số 1 quốc lộ 5 sáng 11/12.

Trước đó, như VTC News đưa tin, vào 7h30 ngày 11/12, tại trạm thu phí số 1 quốc lộ 5, một số tài xế sử dụng tiền lẻ để mua vé qua trạm.

Đặc biệt, có tài xế đưa nhân viên trạm thu phí 41.100 đồng để mua vé 40.000 đồng và yêu cầu tài xế trả lại 100 đồng tiền thừa. Nhân viên trạm không có tờ 100 đồng nên đưa 200 đồng trả lại tài xế, tuy nhiên lái xe nhất quyết không nhận, đòi bằng được 100 đồng mới chịu đi.

"Tôi làm đúng nên họ không có quyền gì mà ngăn cản tôi cả. Tôi đi qua có trả tiền và quan điểm của tôi là lấy đúng số tiền của mình chứ không nhận thừa. Tôi sẽ còn tiếp tục đòi lại số tiền này”, tài xế đòi nhân viên trạm trả lại 100 đồng tiền thừa nói.

Một tài xế khác bức xúc nói: “Trước đây chúng tôi phản đối về việc thu phí BOT quá cao và được tỉnh mời xuống họp. Trong cuộc họp họ bảo sẽ giảm phí từ ngày 30/11 nhưng qua ngày đó chúng tôi vẫn phải đóng phí với giá cũ mà không nhận được lời giải thích nào.

Mức phí này quá cao đối với tôi, mỗi lần đưa con đi học rồi vòng về là mất 80.000 đồng. Tính ra cả ngày đưa đi đón về tôi đã mất 160.000 đồng”.

Việc tài xế dùng tiền lẻ phản đối trạm thu phí xảy ra vào đúng giờ cao điểm sáng đầu tuần khiến giao thông khu vực trạm thu phí số 1 quốc lộ 5 ùn tắc kéo dài. Lực lượng chức năng phải phân luồng cho các xe ô tô đi sang làn xe máy để tránh ùn tắc.

25270972_1394605037328442_1835750427_o 3

Các tài xế chuẩn bị tiền lẻ để phản đối trạm thu phí. 

Trước đó, từ 4-6/9, hàng trăm lái xe đã sử dụng tiền lẻ để phản đối việc thu phí trên quốc lộ 5, đoạn đi qua huyện Văn Lâm, Hưng Yên gây ùn tắc cục bộ. Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) sau đó có công văn đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra hành vi gây rối.

Giữa tháng 10, UBND tỉnh Hưng Yên gửi văn bản kiến nghị di dời trạm thu phí số 1 trên quốc lộ 5 và miễn, giảm phí cho các phương tiện.

UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị các cơ quan chức năng xem xét di dời trạm thu phí số 1 tại về vị trí tiếp giáp giữa tỉnh Hưng Yên và thành phố Hà Nội hoặc giữa tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương.

Ngày 18/10, Tổng cục Đường bộ đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị giảm 12-15% cho tất cả các phương tiện lưu thông qua quốc lộ 5; miễn phí cho người dân sinh sống bán kính 5 km quanh trạm thu phí.

Quốc lộ 5 là tuyến huyết mạch cửa ngõ phía Đông Hà Nội. Mỗi ngày có khoảng 15.000-16.000 lượt phương tiện qua trạm. Mức phí thấp nhất là 40.000 đồng, cao nhất là 180.000 đồng mỗi lượt, tùy loại phương tiện. 

Trước đó, báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, nhà đầu tư thu phí cả tuyến đường ngoài BOT chạy song song với tuyến đường BOT để bảo đảm phương án tài chính của dự án. Trường hợp điển hình chính là dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và quốc lộ 5 cũ.

Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn