Rất nhiều người sau khi mắc COVID-19 cho rằng mình có kháng thể mạnh, lại tiêm 3 mũi vaccine nên không lo bị tái nhiễm, ít nhất là trong 3 - 6 tháng. Tuy nhiên, thực tế không ít trường hợp mắc COVID-19 điều trị khỏi, trong vòng hơn 1 - 3 tháng lại tiếp tục bị tái nhiễm lần 2.
Chị N.T.N. (ngụ quận 1, TP.HCM) lần đầu mắc COVID-19 là trước Tết Nguyên đán, sau đó chị điều trị và cách ly tại nhà 7 ngày thì khỏi bệnh, xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Sau kỳ nghỉ Tết, chị trở lại công việc khi cơ quan và hàng xóm có khá nhiều ca dương tính. Do mới mắc COVID-19 cộng thêm bản thân đã tiêm 3 mũi vaccine nên chị yên tâm không mắc lại. Song kết quả là chị vẫn tái dương tính nCoV sau hơn một tháng khỏi bệnh.
“Tôi mới mắc COVID-19 trước Tết mà giờ lại nhiễm. Cứ nghĩ bị rồi có kháng thể mạnh, còn tiêm vaccine thì dễ gì mắc lại. Vậy mà mấy ngày nay tôi rất mệt, sốt do trước đó tôi tiếp xúc F0. Test nhanh nhận kết quả dương tính nCoV”, chị N. nói.
Tương tự, anh T.T.H. (37 tuổi, ngụ quận 4, TP.HCM) mắc COVID-19 hồi tháng 11/2021 và đã hoàn toàn bình phục, có chứng nhận hoàn thành cách ly, xét nghiệm âm tính của Trạm y tế phường. Nghĩ bản thân đã tiêm vaccine lại là cựu F0 nên sẽ “bất tử”. Nào ngờ, anh lại tái nhiễm COVID-19 sau một cuộc đi ăn uống với bạn bè vào đầu tuần trước.
“Tôi mắc COVID-19 cách đây 3 tháng rồi, nhưng giờ nhiễm lại, tôi cũng không ngờ tái nhiễm nhanh vậy, nhưng tôi nghĩ lần này sẽ nhẹ hơn lần trước do tôi đã tiêm đủ mũi vaccine”, anh H. nói.
Hiện tại nước ta ghi nhận nhiều người tái nhiễm COVID-19 sau 1 - 3 tháng khỏi bệnh dù đã tiêm đủ liều vaccine, thậm chí tiêm mũi tăng cường (mũi 3, mũi nhắc lại).
Lý giải vấn đề này, TS Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT, ĐH Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) cho biết, người tái nhiễm COVID-19 thường rơi vào trường hợp từng mắc một biến chủng SARS-CoV-2 rồi sau đó khỏi bệnh và bây giờ nhiễm một biến chủng khác. Chẳng hạn trước đó đã nhiễm chủng Delta, sau đó là tái nhiễm biến chủng mới là Omicron.
Khả năng tái nhiễm chủng Omicron nhiều hơn là tái nhiễm lại chủng cũ. Biến chủng Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn so với chủng Delta nhiều lần nên những người đã khỏi biến chủng Delta hoặc các biến chủng khác trước đó rồi nhiễm lại Omicron rất phổ biến. Đối với những người đã nhiễm biến thể Omicron rồi thì rất khó và hiếm xảy ra nhiễm lại cùng một biến chủng trong thời gian ngắn.
“Từng mắc COVID-19 hoặc tiêm đủ vaccine nhưng kháng thể sinh ra không tối ưu cho biến thể Omicron (biến thể mới thay đổi rất nhiều trong cấu trúc Protein gai) nên người đó vẫn có khả năng nhiễm và tái nhiễm. Nghĩa là người khỏi chủng Delta rồi chỉ sinh ra kháng thể với chủng Delta thôi, và không đủ mạnh với Omicron nên có thể tái nhiễm”, TS Minh nói.
Các vaccine COVID-19 hiện nay đều dựa trên cấu trúc Protein gai của chủng virus phát hiện ban đầu (virus nguyên thủy ở Vũ Hán) nên những kháng thể do vaccine tạo ra với chủng Omicron là rất thấp và hiệu quả giảm nhanh, mặc dù hiệu quả giảm ca nặng và chống tử vong của vaccine vẫn duy trì ở mức cao. Hay hiểu cách khác là khả năng chống lây nhiễm của vaccine thế hệ đầu tiên trở nên kém hơn với chủng virus mới nên dù tiêm 3 mũi, thậm chí 4 mũi vaccine mà sinh ra kháng thể không hiệu quả thì vẫn bị lây nhiễm.
“Về căn bản, vaccine không bảo vệ 100% mà theo thời gian hiệu quả động lực sẽ giảm đi, dù không xuất hiện chủng mới nhưng vẫn có tỷ lệ người bị nhiễm bệnh khi đã tiêm vaccine. Tỷ lệ này ngày càng tăng do biến thể virus ngày càng nhiều”, TS Minh phân tích.
Những trường hợp tái nhiễm sớm nhất có thể trong một tháng sau khi khỏi chủng Delta, sớm hơn thì chưa ghi nhận. Tuy nhiên, nếu có người tái nhiễm sớm hơn 1 tháng thường là chữa chưa dứt điểm dương tính, virus quay trở lại.
Những người tái nhiễm Delta là do phản ứng hệ miễn dịch của họ không đủ mạnh, người tiêm vaccine hay đã nhiễm sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể khi tiếp xúc mầm bệnh nhưng không phải ai cũng có hệ thống miễn dịch tốt, ngay cả khi những người đã nhiễm rồi nhưng kháng thể không đủ khỏe thì sẽ giảm khả năng bảo vệ theo thời gian, sau đó có khả năng tái nhiễm. Nhưng những trường hợp tái nhiễm Delta tương đối hiếm trước khi Omicron xuất hiện ở Việt Nam, ngay cả trên thế giới cũng tương đối hiếm.
“Thời gian này người ta quan tâm chủ yếu là Omicron. Những người tái nhiễm gần đây thì ít bị mất khứu giác hơn, đó là một trong những chỉ thị điển hình của nhiễm Omicron, một cách để phân biệt với Delta”, TS Minh cho biết.
Về thống kê, hiện nay người nhiễm biến chủng Omicron sẽ có những triệu chứng nhẹ hơn, số triệu chứng phổ biến ít hơn. Tuy nhiên, Omicron có đặc điểm khác, phát triển mạnh ở đường hô hấp trên, khác với Delta. Chẳng hạn như chảy nước mũi ở Omiron thì phổ biến hơn Delta.
“Dù vậy không có nghĩa nhiễm Omicron sẽ nhẹ, còn phụ thuộc vào hệ miễn dịch của từng người sẽ khác nhau. Nếu lần trước nhiễm Delta mà triệu chứng nặng thì lần tái nhiễm cũng phải cẩn thận. Nhiễm Omicron vẫn có thể bị nặng, nhất là với người chưa hoàn toàn hồi phục từ lần trước, đặc biệt là những người còn triệu chứng hậu COVID-19 cơ thể không đủ khỏe", TS Minh nói.
Bình luận