Năm 1950, Mỹ đã gửi quân đội đến bán đảo Triều Tiên tham chiến và hiện tại vẫn còn giữ khoảng 28.500 binh sỹ ở đây, chưa sẵn sàng ký kết vào một hiệp ước hòa bình.
Theo New York Times (NYT), vấn đề tuyên bố hòa bình dự đoán sẽ được đề cập đến trong chương trình nghị sự vào tháng Chín tới giữa lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc tại Bình Nhưỡng. Cả hai bên muốn tuyên bố kết thúc chiến tranh trong năm nay cùng với Mỹ và có thể là cả bên thứ tư - Trung Quốc, trong đó Triều Tiên muốn tuyên bố được đảm bảo trước khi tiếp tục phi hạt nhân hóa.
Chuyên gia của tờ NYT nhận định một số lý do khiến chính quyền Washington đến nay vẫn từ chối đưa ra một tuyên bố hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Đầu tiên, Mỹ muốn Bình Nhưỡng chứng minh nỗ lực phi hạt nhân hóa. Chính quyền Tổng thống Donald Trump, giống như cựu tổng thống Barack Obama, George W. Bush, Bill Clinton đều coi giải quyết chương trình hạt nhân của Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu. Một phần có thể vì Triều Tiên đã phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa cho phép Bình Nhưỡng tấn công lãnh thổ Mỹ với đầu đạn hạt nhân.
Trong tuyên bố chung đưa ra tại hội nghị Mỹ - Triều, Singapore hôm 12/6, Mỹ và Triều Tiên đều nói Bình Nhưỡng cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên hai bên chưa thống nhất cụ thể về chương trình phi hạt nhân hóa.
Thứ hai, liên Triều muốn tuyên bố hòa bình đưa ra vào thời điểm có thể là quá sớm đối với Mỹ. Theo NYT, chính phủ Triều Tiên và Hàn Quốc tuy đặt ra lịch trình tuyên bố kết thúc chiến tranh trong năm nay, nhưng thời điểm lý tưởng được cho là trước 18/9, mở đầu cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hàng năm ở New York.
Có nhiều thông tin cho rằng Liên Hợp Quốc sẽ mời ông Kim Jong-un tham dự hội nghị và phát biểu, vì vậy sẽ là lý tưởng nếu ông Kim mang theo tuyên bố hòa bình đến hội nghị này.
Dù vậy, xét đến lịch trình phi hạt nhân hóa còn nhiều nghi vấn của Triều Tiên, các quan chức Mỹ cho rằng thời điểm đó là quá sớm. Điều bất ngờ có thể xảy ra hay không dường như phụ thuộc vào Tổng thống Donald Trump, người từng muốn hội nghị Singapore phải được tổ chức vào tháng 6 dù các quan chức Mỹ muốn có thêm thời gian chuẩn bị.
Bên cạnh đó, các quan chức Mỹ cũng lo lắng tuyên bố hòa bình có thể làm suy yếu lực lượng quân đội Mỹ ở châu Á. Dù tuyên bố hòa bình không giống như một hiệp ước hòa bình có ràng buộc, nhưng những quá trình liên quan cũng sẽ bắt đầu.
Điều này bao gồm đối thoại về việc cần bao nhiêu quân đội Mỹ ở Hàn Quốc. Đối với một số quan chức Mỹ, sự hiện diện của quân đội ở Hàn Quốc không chỉ là một rào cản đối với Triều Tiên mà còn giúp Mỹ duy trì hoạt động quân đội ở châu Á, và là một chiến lược thể hiện sức mạnh của Mỹ, trong khi Trung Quốc đã bắt đầu thách thức sự hiện diện này.
Hơn nữa, việc cố gắng rút bớt quân đội Mỹ ở Hàn Quốc được cho là có thể làm suy yếu mối quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn, nhất là khi tuyên bố kết thúc chiến tranh được đưa ra.
Video: Tình báo Mỹ nói Triều Tiên tăng cường sản xuất hạt nhân
Bình luận