Với hơn 170 người chết do lũ lụt tại châu Âu và con số vẫn tăng, nhiều người đặt câu hỏi: Điều này đã xảy ra như thế nào và tại sao nó lại tồi tệ đến thế?
Thời tiết đặc biệt
"Các khối không khí chứa đầy nước bị nhiệt độ lạnh chặn ở trên cao, đọng lại suốt 4 ngày phía trên khu vực", ông Jean Jouzel, nhà khí hậu học và là cựu phó chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC), nói với AFP.
Theo cơ quan thời tiết của Đức, lượng mưa từ 100mm đến 150mm đã trút xuống trong khoảng thời gian từ ngày 14 đến ngày 15/7. Đây là lượng mưa thông thường sẽ trút xuống trong vòng hai tháng.
Theo nhà thủy văn học người Đức Kai Schroeter, châu Âu đã nhiều lần bị ảnh hưởng bởi lũ lụt nghiêm trọng trước đó, nhưng lũ lụt tuần này là "đặc biệt về cả lượng nước và sức phá hủy".
Nóng lên toàn cầu?
Nhiều chính trị gia châu Âu cho rằng sự nóng lên toàn cầu là nguyên nhân gây ra thảm họa này, trong khi đảng AfD cực hữu của Đức cáo buộc họ sử dụng lũ lụt là "công cụ" để thúc đẩy các chương trình nghị sự bảo vệ khí hậu.
Ông Schroeter nói với AFP: “Chúng tôi chưa thể khẳng định chắc chắn rằng sự kiện này có liên quan đến hiện tượng nóng lên toàn cầu", nhưng "hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến các sự kiện như thế này có nhiều khả năng xảy ra hơn”.
Về mặt kỹ thuật, biến đổi khí hậu khiến trái đất trở nên ấm hơn và lượng nước bốc hơi nhiều hơn. Điều này "dẫn đến khối lượng nước lớn hơn trong khí quyển", làm tăng nguy cơ mưa lớn, ông nói.
IPCC cũng cho biết hiện tượng nóng lên toàn cầu làm tăng khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Các sông nhỏ bị "quá tải"
Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận lũ lụt là những khu vực gần sông nhỏ hoặc các nhánh sông không có hệ thống phòng lũ. Mưa khiến sông nhanh chóng tràn và gây vỡ bờ.
Ông Armin Laschet, người đứng đầu vùng Bắc Rhine-Westphalia, cho biết: “Sông Rhine đã quen với lũ lụt” và các thành phố dọc theo nó đã được xây dựng với các biện pháp bảo vệ, không giống như các thị trấn và làng dọc theo các con sông nhỏ hơn trong khu vực, đã bị ảnh hưởng nặng nề.
"Khi các con sông chảy chậm hơn và rộng hơn, nước dâng chậm hơn và có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị", nhà thủy văn Schroeter bình luận.
Thiếu cảnh giác
Chính quyền địa phương đã bị chỉ trích ở Đức vì không sơ tán người dân sớm.
Tiến sĩ Hannah Cloke, giáo sư thủy văn tại Đại học Reading, Anh cho biết: "Các nhà dự báo... đã đưa ra cảnh báo, nhưng cảnh báo không được thực hiện nghiêm túc và việc chuẩn bị không đầy đủ".
Ngoài ra, một số cư dân đơn giản là không nhận thức được rủi ro của trận lũ lụt dữ dội như vậy. Hàng chục người đã chết trong tầng hầm của họ.
"Một số nạn nhân đã đánh giá thấp sự nguy hiểm và không tuân theo hai quy tắc cơ bản khi mưa lớn. Thứ nhất, tránh các tầng hầm nơi nước có thể thấm qua. Thứ hai, tắt điện ngay lập tức", ông Armin Schuster, chủ tịch BBK, một cơ quan nhà nước chuyên về thiên tai nói.
Quy hoạch đô thị
Một số chuyên gia chỉ ra mối nguy hiểm của quy hoạch đô thị kém và lượng bê tông ngày càng tăng tại trung tâm của một khu vực đông dân cư, công nghiệp hóa nặng ở châu Âu.
Khi mặt đất được bao phủ bởi các vật liệu nhân tạo như bê tông, đất sẽ kém khả năng hấp thụ nước, làm tăng nguy cơ ngập lụt.
Các khu vực bị ảnh hưởng chứng kiến lượng mưa cao bất thường trong những tuần gần đây, cho thấy đất đã bão hòa và không thể hấp thụ lượng nước dư thừa.
"Đô thị hóa... đã đóng một vai trò quan trọng. Nếu là 40 năm trước liệu thương vong có nhiều như vậy không?" ông Jouzel hỏi.
Bình luận