• Zalo

Tại sao không nên đun nước sôi lại nhiều lần?

Gia đìnhThứ Sáu, 29/09/2023 06:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Ai cũng biết muốn bảo đảm an toàn, vệ sinh thì phải ăn chín uống sôi, vậy tại sao các chuyên gia sức khỏe lại khuyên không nên đun nước sôi lại nhiều lần?

Uống nước đun sôi để nguội là thói quen của phần lớn các gia đình Việt Nam. Trường hợp nước để lâu, nhiều người cẩn thận đổ vào ấm đun sôi lại, nhưng các chuyên gia lại cho rằng cách làm đó là sai lầm.

Vậy tại sao không nên đun nước sôi lại nhiều lần? Chẳng phải việc dùng nhiệt để diệt hết vi khuẩn có thể đã tái nhiễm bình nước cũ là cách bảo vệ sức khỏe gia đình sao? 

Tại sao không nên đun nước sôi lại nhiều lần?

Trang Lybrate dẫn lời TS Arunesh Dutt Upadhyaym - chuyên gia y học có 37 năm kinh nghiệm ở Ấn Độ - và nhiều chuyên gia khác cho biết. việc đun nước sôi lại nhiều lần rất nguy hiểm. Việc đun sôi lại cùng một lượng nước có thể làm cho nước cô đặc hơn hoặc tăng lượng muối hòa tan trong đó.

Tại sao không nên đun nước sôi lại nhiều lần? (Ảnh: Unocasa)

Tại sao không nên đun nước sôi lại nhiều lần? (Ảnh: Unocasa)

Việc đun nước sôi lại nhiều lần sẽ gây ra nhiều tác hại như:

- Muối nitrat hòa tan trong nước thường không gây hại nhưng việc đun sôi quá nhiều lần hoặc đun lại cùng một lượng nước có thể biến các nitrat hoà tan thành nitrosamin - nguyên nhân gây ra các bệnh như ung thư, bạch cầu.

- Nước đun sôi lại có thể làm tăng lượng asen hòa tan. Một lượng nhỏ asen trong nước không có hại, nhưng lượng lớn hơn có thể gây ra ung thư, vô sinh, đau tim và rối loạn tâm thần. Việc sử dụng nước có hàm lượng asen cao trong thời gian dài có thể gây hại cho hệ tuần hoàn và tổn thương da.

- Việc đun sôi lại nước cũng làm tăng lượng florua. Chất florua hòa tan trong nước nếu được tiêu thụ nhiều có thể làm tăng nguy cơ rối loạn xương. Ở trẻ em dưới 8 tuổi, lượng florua dư thừa có thể gây hại cho răng và men răng.

- Nước đun sôi lại làm tăng lượng canxi hòa tan, có thể gây sỏi thận và sỏi mật.

- Việc đun sôi nước nhiều lầm làm tăng nồng độ các hóa chất và tạp chất không mong muốn trong nước.

Đó là các lý do tại sao không nên đun nước sôi lại nhiều lần, không nên dùng nước đun lại để pha sữa cho trẻ nhỏ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc sử dụng nước đun sôi lại để pha một tách trà cũng có thể ảnh hưởng đến hương vị.

Với nước tinh khiết, việc đun sôi lại hoàn toàn không làm thay đổi thành phần hóa học của nó. Tuy nhiên, đa phần các nguồn nước chúng ta uống đều chứa nhiều chất khác nhau. Vì thế, chỉ nên đun một lượng đủ dùng mỗi lần để bảo vệ sức khỏe về lâu dài, tiết kiệm điện và bảo tồn nguồn tài nguyên nước.

Nước đun sôi để nguội có bị thiu không?

Dù bạn rất khó cảm nhận nhưng sự thực là nước đun sôi để nguội có thể bị thiu.

Khi đun sôi nước, ký sinh trùng chết đi, phần xác sẽ tồn tại trong nước. Theo chuyên gia công nghệ thực phẩm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nếu để nguội nước và uống trong 1-2 ngày, bạn sẽ an toàn, nhưng nước để lâu sẽ nhiễm khuẩn và có thể gây nguy hiểm.

"Xác vi sinh vật trong nước để lâu sẽ là thức ăn cho các vi khuẩn bên ngoài môi trường thâm nhập", ông Thịnh nói. Nước lúc đó đã bị "thiu", nên đổ bỏ. Có thể nhận ra nước bị thiu qua hiện tượng nhớt ở đáy và thành bình. 

Nước đun sôi để nguội có thể bị thiu nếu không bảo quản đúng cách. (Ảnh: Medicalnewstoday)

Nước đun sôi để nguội có thể bị thiu nếu không bảo quản đúng cách. (Ảnh: Medicalnewstoday)

Ngoài ra, việc đổ lẫn nước cũ với nước mới vô tình sẽ làm nhân số lượng vi khuẩn trong nước, dễ sinh ra nấm mốc. Lúc này, nước đã bị thiu, thậm chí các chất hữu cơ cũng bị phân giải, chất vô cơ bị lắng xuống, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. 

Vì vậy, nước đun sôi để nguội chỉ nên uống trong ngày, không để lâu hơn để tránh đưa vào cơ thể các loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và sức khỏe nói chung. Trước khi cho nước mới vào bình, nên đổ hết nước cũ và rửa bình để loại bỏ vi khuẩn từ chỗ nước đã thiu trước đó. 

Để uống nước đun sôi để nguội an toàn, cần che đậy cẩn thận, tránh nhiễm bẩn từ môi trường.

Nhật Thùy(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn