(VTC News) - Để lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa có văn bản gửi liên Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa có văn bản đề nghị gửi liên Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính xin bố trí kinh phí hơn 560 tỷ đồng để triển khai thực hiện nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 291 đường ngang vi phạm quy định trong giai đoạn 2014-2016.
Theo kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020 thì trong giai đoạn này, Tổng công ty Đường sắt phải thực hiện xây dựng các đường ngang, hầm chui, nâng cấp, cải tạo các đường ngang hợp pháp nhưng vi phạm quy định về đường ngang do tồn tại lịch sử (cải tạo giảm độ dốc dọc, giải tỏa tầm nhìn, bổ sung tín hiệu...)
Theo đó, trong giai đoạn 2014-2015 triển khai thi công hoàn thành 180 đường ngang với tổng kinh phí hơn 322 tỷ đồng. Năm 2016 sẽ hoàn thành số đường ngang còn lại với kinh phí 227 tỷ đồng.
Hiện trường vụ tai nạn đường sắt ngày 10/3 ở Quảng Trị khiến lái tàu tử vong tại chỗ |
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt diễn biến hết sức phức tạp, đơn vị này đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế phòng ngừa tai nạn giao thông.
Cụ thể, Tổng công ty thường xuyên theo dõi, phát hiện và có biện pháp xử lý các điểm có nguy cơ tiềm ẩn nguy hiểm đến an toàn giao thông; tổ chức cảnh giới tại các vị trí, phối hợp với chính quyền địa phương tháo dỡ các lối đi dân sinh, giải tỏa tầm nhìn tại các đường ngang...
Để nâng cấp, sửa chữa các đường ngang, Tổng công ty Đường sắt đã tiến hành phân bổ dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2015 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí là 150 tỷ đồng trong đó chi trả cho công tác chuẩn bị đầu tư đã thực hiện các năm trước 11,2 tỷ đồng, còn lại cân đối 132,8 tỷ đồng để thực hiện thi công 58/180 công trình.
Đồng thời, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính, Giao thông Vận tải bố trí bổ sung 182,2 tỷ đồng để thi công các công trình đường ngang tại các tuyến có mật độ chạy tàu, nguy cơ mất an toàn giao thông cao như tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội - Lào Cai. 227 tỷ đồng để thực hiện thi công hoàn thành số đường ngang còn lại vào năm 2016.
Video: Tai nạn tàu hoả ở Quảng Trị
Trước đó, ngày 10/3, tại km 639+750 (đường ngang có cảnh báo tự động) thuộc khu gian Quảng Trị - Diên Sanh, ô tô chở đất cố tình vượt đường ngang đã va vào tàu hỏa mang số hiệu SE 5 chạy hướng từ Hà Nội vào TP HCM.
Vụ va chạm đã làm đầu máy số D19E- 968 bị bung, gãy đầu đấm, đầu máy trôi về phía Nam cách vụ tai nạn 2 km; 3 toa xe giáp đầu máy bị trật bánh; trong đó có 1 toa hàng cơm + 1 toa xe chở khách bị xoay ngang, vuông góc với đường sắt, toa xe chở khách số 3 bị đổ nghiêng 60 độ.
Hậu quả, lái tàu đã tử vong ngay trên ca bin đầu máy, 2 hành khách, phụ lái tàu và tài xế ô tô bị thương. Vụ tai nạn khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam tê liệt nhiều giờ.
Minh Chiến
Bình luận