• Zalo

Tác động khôn lường khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

Kinh tếChủ Nhật, 04/02/2018 15:09:00 +07:00Google News

Khi tăng thuế giá sản phẩm sẽ tăng và nhu cầu tiêu dùng sẽ giảm xuống, điều này sẽ ảnh hưởng nhiều tới sản xuất.

Dự thảo lần 2 Luật sửa đổi các Luật thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, xuất khẩu và nhập khẩu đã được Bộ Tài chính hoàn thành sau nhiều ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, tổ chức hiệp hội và doanh nghiệp.

Dự thảo mới bổ sung thu thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt có đường, trừ các sản phẩm sữa và không quy định cụ thể nước ngọt có ga, không ga, hay nước tăng lực, thể thao, trà, cà phê.

Theo lý giải của Bộ Tài chính, hiện nay ở Việt Nam tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ béo phì tăng nhanh từ mức 0,6% năm 2000 lên 5,3% năm 2015.

Khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, các loại đồ uống có đường ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Để định hướng và hạn chế tiêu dùng các loại đồ uống có đường, hiện trên thế giới đã có trên 40 nước thu thuế TTĐB đối với loại đồ uống có đường.

drink_1503729747757_mhsj

Dự thảo bổ sung thu thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt có đường không nhận được sự đồng tình của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.(Ảnh minh họa: KT) 

Đánh giá về dự thảo lần này của Bộ Tài chính, ông Vũ Tú Thành, Trưởng đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam cho rằng, lý lẽ ban đầu của cơ quan soạn thảo là nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân, nhưng đó không phải là trách nhiệm của cơ quan soạn thảo mà là trách nhiệm của Bộ Y tế, chính sách thuế sẽ chỉ là công cụ hỗ trợ. Như vậy, để định hướng và hạn chế tiêu dùng các loại đồ uống có đường bằng việc áp thuế là quy trình chưa phù hợp. 

“Với dự thảo này Bộ Tài chính là cơ quan đứng ra chủ trì, còn Bộ Y tế là cơ quan phối hợp, đó là quy trình ngược. Khi cơ quan chủ trì nắm vai trò chính sẽ làm cho mục tiêu bị sai lệch. Vì thế, vấn đề đặt ra là bảo vệ sức khỏe người dân hay tăng thu thuế vẫn cần phải được làm rõ”, ông Thành nêu quan điểm.

Không đồng tình với quan điểm áp thuế TTĐB đối với các loại nước uống có đường trong khi chưa có nghiên cứu cụ thể về mức độ ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe con người, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam cho rằng, hiện nay chưa có một nghiên cứu nào đầy đủ về vấn đề béo phì do nước uống gây nên.

“Trước mắt cần phải có chỉ đạo và có nghiên cứu kỹ với thực trạng sử dụng nước ngọt có đường tại Việt Nam, không thể lấy kinh nghiệm của nước khác để áp dụng”, ông Việt cho biết.

Theo các chuyên gia, nếu áp dụng thuế TTĐB đối với các sản phẩm nước ngọt có đường (bao gồm cả các sản phẩm nước uống được chế biến từ trà, cà phê) thì chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ tăng lên, nhưng nguồn thu chưa chắc đã tăng bởi thuế không chỉ được thu trực tiếp mà còn từ giá trị gia tăng và nhiều yếu tố tác động khác.

Đó là chưa kể những tác động tới công ăn việc làm của hàng vạn lao động trong các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, thậm chí cả những người nông dân trồng chè, cà phê và các nguyên liệu chế biến.

PGS. TS Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, khi tăng thuế, giá sản phẩm sẽ tăng nên nhu cầu tiêu dùng sẽ giảm xuống, điều này sẽ ảnh hưởng tới sản xuất. Cần phải tính theo một tỷ lệ cho phù hợp, không hẳn cứ tăng tỷ suất thuế thì nguồn thu sẽ tăng.

Video: U23 Việt Nam được thưởng bao nhiêu và đóng thuế thế nào?

PGS.TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kiểm toán Kế toán Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, khi đưa ra đối tượng chịu thuế, cần phải tính tới những đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, đó là nền kinh tế từ nông nghiệp đi lên. Trong khi công nghiệp chế biến là ngành Việt Nam đang có chủ trương phát triển, bởi ngoài những giá trị sản xuất đạt được còn là việc làm, thu nhập của người lao động.

Theo ông Thanh, bản chất của thuế là để định hướng và hướng dẫn tiêu dùng, cũng là công cụ giúp điều tiết vĩ mô của nền kinh tế. Mục đích cuối cùng của thuế chính là phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng, giúp nền kinh tế tiếp tục phát triển không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong dài hạn.

Chính vì thế, việc áp thuế với sản phẩm nước ngọt có đường cần phải tính toán kỹ lưỡng, không chỉ trong bối cảnh chung với những tác động của các nền kinh tế mà phải tính toán những tác động trực tiếp của nó tới nền kinh tế Việt Nam./.

(Nguồn: VOV)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn