Dù không sở hữu tầm bắn xa hay mang theo nhiều đầu đạn, nhưng tên lửa đạn đạo chiến dịch - chiến thuật luôn nằm trong danh sách các loại vũ khí bị hạn chế trong nhiều hiệp ước giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên Moskva vẫn có cách lách luật khi tạo ra các mẫu tên lửa đạn đạo tầm ngắn như OTR-21 Tochka.
Vũ khí giúp Liên Xô đặt “dấu chấm hết” cho kẻ thù
Tổ hợp tên lửa đạn đạo OTR-21 Tochka - "Dấu chấm hết" (NATO định danh là SS-21 Scarab) được Liên Xô phát triển nhằm mục đích thay thế các tổ hợp 9K52 Luna-M (FROG-7B) thế hệ cũ.
Khác với Luna-M, Tochka được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính, cho phép đường bay của tên lửa được điều chỉnh dựa trên các thiết bị cảm biến chuyển động. Tochka có độ chính xác vào loại tương đối, nó sẽ rơi vào khu vực có bán kính 150 m xung quanh mục tiêu.
Liên Xô đưa sản xuất hàng loạt phiên bản Tochka đầu tiên từ năm 1973 nhưng đến năm 1975 họ mới đưa loại tên lửa này vào trang bị.
Ở phiên đầu tiên tầm bắn của Tochka chỉ khoảng 70 km. Tên lửa được thiết kế để tiêu diệt sân bay, sở chỉ huy, phương tiện hỗ trợ, trận địa phòng không, cầu đường và cụm hậu cần nằm sâu bên trong phòng tuyến của đối phương, tên lửa có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và bất kể ngày đêm.
Một tên lửa Tochka tiêu chuẩn dài 6,4 m và nặng 2.000 kg. Trọng lượng đầu đạn khoảng 480 kg.
Đến năm 1983, Tochka được cải tiến lên phiên bản Tochka-R với đầu đạn dẫn đường quán tính.
Năm 1989, Liên Xô tiếp tục cho ra mắt phiên bản Tochka-U với động cơ được cải tiến, tầm bắn của Tochka-U được tăng lên thành 120 km, đồng thời độ chính xác cũng được cải thiện đáng kể nhờ kết hợp hệ thống dẫn đường vệ tinh và một radar định hướng. Vận tốc bay của đạn tên lửa Tochka-U có thể đạt đến Mach 5,3 (hơn 6.500km/h).
Một số chuyên gia tin rằng, Liên Xô đã có kế hoạch chế tạo một phiên bản mới của Tochka có thể đạt tầm bắn lên hơn 180 km, song sau đó đã bị gạt sang một bên để nhường chỗ cho dự án tên lửa đạn đạo chiến thuật tiền thân của 9K720 Iskander sau này.
Về sức mạnh của Tochka, sở dĩ Liên Xô đặt cho nó biệt danh “dấu chấm hết” đến từ khả năng triển khai cùng lúc nhiều loại đầu đạn khác nhau của loại tên lửa này, từ đầu đạn thông thường, đạn chùm, đạn nhiệt áp, đầu đạn hóa học cho đến đầu đạn hạt nhân.
Các mẫu đầu đạn nổ cực mạnh và đạn chùm của Tochka có trọng lượng 482 kg, phạm vi sát thương có bán kính lên đến 200 m. Chúng có thể tiêu diệt các loại xe tăng hoặc phá hoại đường băng cất cánh của một căn cứ quân sự.
Đối với khả năng triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật, Tochka được trang bị các đầu đạn 9N39 và 9N64 có sức công phá lần lượt là 100 đến 200 kiloton, gấp từ 5 đến 10 so với quả bom hạt nhân “Fat Man” từng được Mỹ thả xuống Nagasaki (Nhật Bản) trong Thế chiến thứ 2.
Thông thường, quân đội Liên Xô và Nga sau này thường biên chế các tổ hợp tên lửa Tochka thành cấp lữ đoàn, mỗi đơn vị như vậy được trang bị 18 xe phóng tên lửa di động.
Thành phần của tổ hợp Tochka gồm tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn 9M71-1, xe phóng tự hành 9P129-1 (mang theo 1 đạn tên lửa), xe vận chuyển - nạp đạn 9T218-1 (mang theo 2 đạn tên lửa), xe vận chuyển 9T238, xe kiểm soát - thử nghiệm tự động 9V819-1, xe bảo dưỡng kỹ thuật 9V844, tổ hợp thiết bị quân dụng 9F370-1, các container đựng tên lửa và đầu đạn tác chiến.
Hiện tại trên thế giới có 10 quốc gia đang vận hành tổ hợp tên lửa Tochka, trong đó Nga đang biên chế khoảng 220 đơn vị, Ukraine là 90 đơn vị, Belarus 36 đơn vị, các nước khác như Armenia, Azerbaijan, Bungari, Kazakhstan, Triều Tiên, Syria và Yemen số lượng khá hạn chế.
Nạp đạn tên lửa 9M71-1 cho xe phóng di động 9P129-1 của tổ hợp Tochka. (Ảnh: missilery.info)
Cuộc chiến đầu tiên của Tochka
Kể từ khi được đưa vào sử dụng, tên lửa Tochka đã tham gia vào rất nhiều cuộc chiến vào cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Tochka chính thức xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1994, trong cuộc nội chiến ở Yemen. Quân đội miền Bắc đã dùng Tochka để đánh bại quân phía Nam và thành lập chính phủ mới. Tuy nhiên, đến năm 2014, rất nhiều tên lửa Tochka đã rơi vào tay quân nổi dậy Houthi.
Ngày 4/9/2015, quân Houthi phóng một tên lửa Tochka, bắn trúng căn cứ của liên quân Ả Rập làm 73 binh sĩ cùng hàng chục dân thường thiệt mạng, nhiều xe quân sự cũng đã bị phá hủy. Ngày 14/12 cùng năm, tên lửa Tochka bắn xuống một căn cứ khác của liên quân, khiến hơn 100 người chết. Một tháng sau đó, một căn cứ khác cũng bị tên lửa này tấn công, và hàng trăm binh sĩ chết và phá hủy trung tâm điều khiển máy bay không người lái tại đây.
Tổn thất của liên quân Ả Rập tại Yemen vì Tochka được đánh giá là rất lớn, bất chấp việc lực lượng này được trang bị các hệ thống phòng không hiện đại. Điều này cho thấy hiểm họa mà tên lửa Tochka có thể mang đến đối với bất kỳ lực lượng bộ binh nào.
Ngoài cuộc chiến ở Yemen, Tochka cũng được sử dụng rộng rãi trong một số cuộc chiến khác như Syria (2011), Chechnya (1999), Nam Ossetia (2008), Nagorno-Karabakh (2020) và Ukraine (2022).
Sức mạnh của tên lửa Tochka trong các cuộc xung đột gần đây trên thế giới một lần nữa cho thấy rằng ngay cả một loại tên lửa đã được sản xuất từ thời Chiến tranh Lạnh, có tầm bắn khá khiêm tốn vẫn có thể gây ra thiệt hại rất lớn, ngay cả khi đối phương có trong tay nhiều loại máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không hiện đại hơn.
Bình luận