Ngày 21/11, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật Thủ đô. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đồng chủ trì Hội nghị.
Trình bày báo cáo kết quả thi hành Luật Thủ đô, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, sau 9 năm thi hành Luật Thủ đô, các Bộ, ngành, nhất là thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt, tích cực, chủ động triển khai đồng bộ; xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các chủ thể trong tổ chức thi hành để sớm đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống.
Việc thực hiện các chính sách đặc thù theo quy định của Luật Thủ đô bước đầu giúp cho thành phố thiết lập đồng bộ các công cụ pháp lý cho việc xây dựng, quản lý quy hoạch nhằm thực hiện thống nhất theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Hệ thống giao thông vận tải, hạ tầng kỹ thuật của Thủ đô có những bước phát triển vượt bậc; cảnh quan kiến trúc hai bên đường trên một số tuyến phố thực hiện thí điểm đã được chỉnh trang sạch đẹp; nhiều dự án khu đô thị mới mọc lên mang tầm vóc của một đô thị hiện đại đang dần hiện hữu; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả toàn diện, nổi bật; phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú, các di sản văn hóa - lịch sử được quan tâm bảo tồn, tôn tạo; phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục toàn diện, mũi nhọn...
Thêm vào đó, các quy định của Luật đã tạo cơ chế tăng nguồn thu tài chính, ngân sách cho Thủ đô; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thuận lợi hơn. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, việc thi hành Luật Thủ đô và thực hiện một số chính sách đặc thù của Luật trên địa bàn thành phố vẫn còn những hạn chế. Trong đó, quy mô và tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; chưa phát huy hết thế mạnh về vốn, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, trong thời gian qua, Hà Nội tổ chức tổng kết thi hành Luật Thủ đô trên địa bàn Thành phố và phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Trong đó, Hà Nội đề xuất 9 chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), đây là những nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực; đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước, Thủ đô trong giai đoạn mới.
Các quan điểm, định hướng, nội dung của 9 chính sách đã được báo cáo, xin ý kiến tại 2 hội nghị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội.
“Thành phố Hà Nội mong rằng, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp và các ban, bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội để tiếp tục nghiên cứu bổ sung, củng cố toàn diện các chính sách và việc đánh giá tác động của chính sách, giúp hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đảm bảo chất lượng, hiệu quả, giúp cho việc trình Chính phủ, Quốc hội thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Luật và quá trình soạn thảo Luật Thủ đô được thuận lợi, đảm bảo tiến độ theo Kế hoạch” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe các tham luận của Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bắc Giang; đồng thời, trao đổi, thảo luận, đánh giá về kết quả thi hành Luật cũng như các định hướng, kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành Luật Thủ đô trong thời gian tới.
Qua tổng kết cho thấy, việc thực hiện các chính sách đặc thù quy định trong Luật Thủ đô đã giúp thành phố Hà Nội đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc thi hành Luật cũng còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, ngay sau khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, với sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan nhà nước ở Trung ương, thành phố Hà Nội và các tỉnh trong Vùng Thủ đô, việc quán triệt, phổ biến Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật được tổ chức thực hiện kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, đa dạng về hình thức, thu hút sự tham gia của hàng nghìn lượt người.
Đặc biệt, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan, nhất là thành phố Hà Nội đã tích cực, chủ động, chỉ đạo quyết liệt việc soạn thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật để trình các cấp có thẩm quyền ban hành. Các văn bản đã được ban hành có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức liên quan trong quá trình soạn thảo, bảo đảm đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Đến nay, có 34 văn bản được các cơ quan ban hành để quy định chi tiết 21/21 nội dung Luật giao.
“Sau 9 năm thi hành, Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của chính quyền các cấp và nhân dân về vị trí, vai trò của Thủ đô, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô. Việc thực hiện các chính sách, cơ chế đặc thù quy định trong Luật đã góp phần giúp thành phố đạt được một số thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực như: Kinh tế, văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định.
Đồng tình với 9 định hướng chính sách lớn mà thành phố Hà Nội đề xuất, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị tiếp tục tổ chức thi hành nghiêm túc, hiệu quả Luật Thủ đô. UBND thành phố Hà Nội, các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu về xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới theo mục tiêu mà Nghị quyết 15-NQ/TW đã đề ra.
Thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cảm ơn sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn Bộ Tư pháp, đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Luật Thủ đô; đồng thời, khẳng định Hà Nội sẽ tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.
Chủ tịch Trần Sỹ Thanh khẳng định, UBND thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp bắt tay ngay việc soạn thảo luật, trọng tâm là các điều khoản quy định về các cơ chế đặc thù cho Thủ đô, bảo đảm đó là các cơ chế thực sự cần cho sự phát triển của Thủ đô và có thể thực hiện được trên thực tế. Từ đó, tạo tiền đề đưa Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế năng động, có tốc độ tăng trưởng nhanh, khẳng định vị thế của một đầu tàu kinh tế, tạo động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng.
Hà Nội đề xuất 9 chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi):
Chính sách 1: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Chính sách 2: Thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô.
Chính sách 3: Nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô.
Chính sách 4: Phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô. Chính sách 5: Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Chính sách 6: Phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô.
Chính sách 7: Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Chính sách 8: Phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững.
Chính sách 9: Liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.
Bình luận