• Zalo

Luật Thủ đô: Phạt nặng công dân Thủ đô vi phạm?

Thời sựThứ Năm, 06/01/2011 12:01:00 +07:00Google News

(VTC News)- Để giảm lượng xe vào nội đô nên quy định mức phí đỗ ô tô cao hơn; bố trí rất ít điểm đỗ xe ở trung tâm; quy định tuyến phố cấm một số phương tiện...

(VTC News) - Để giảm lưu lượng xe vào nội đô nên quy định mức phí đỗ ô tô cao hơn; bố trí rất ít điểm đỗ xe ở khu vực trung tâm; quy định những tuyến phố cấm một số loại phương tiện giao thông…

Sáng 6/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thủ đô.

Xử phạt cao có giúp Hà Nội đảm trật tự an toàn?

Nội dung được đa số các thành viên UBTVQH quan tâm thảo luận là cơ chế, chính sách để bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Giảm lưu lượng phương tiện giao thông trong nội đô Hà Nội - bài toán chưa có lời giải khả thi (Ảnh: Kiều Minh) 

Theo dự thảo Luật, Hà Nội được áp dụng mức xử phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong khu vực nội thành cao hơn mức áp dụng chung với cả nước trong 6 lĩnh vực gồm: văn hóa, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải và cư trú.

Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho biết, vấn đề này có 2 loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến không tán thành với quy định này thì cho rằng, việc duy trì trật tự, kỷ cương, nếp sống văn minh của người dân Thủ đô không thể chỉ dựa vào việc áp dụng biện pháp xử phạt hành chính cao hơn các địa phương khác mà phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp khác nhau.

Hơn nữa, dù ở Hà Nội hay ở các địa phương khác thì việc xác định tính chất, mức độ của một hành vi vi phạm hành chính là giống nhau, do vậy việc áp dụng chế tài xử phạt cho các hành vi đó cũng phải thống nhất. Bên cạnh đó, cũng phải cân nhắc đến hiệu quả của việc áp dụng biện pháp này có thực sự giúp ích cho Hà Nội trong việc đảm trật tự an toàn xã hội hay không? Đây là vấn đề phải được cân nhắc, đánh giá trên cơ sở điều kiện kinh tế, trình độ, dân trí của cả người dân tại các huyện ngoại thành Hà Nội khi họ trở thành đối tượng bị áp dụng.

Ngược lại, loại ý kiến tán thành thì cho rằng, việc áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn, tuy chưa phải là biện pháp hữu hiệu nhất để Hà Nội giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay, nhưng xét trên thực tiễn của Hà Nội thì đây là một trong những giải pháp cần thiết áp dụng đồng bộ với các biện pháp khác nhằm giảm thiểu những vấn đề về giao thông, môi trường, văn hóa… xây dựng một đô thị phát triển với môi trường sống, môi trường văn hóa trong sạch.

Những người ủng hộ loại ý kiến thứ hai cho rằng xử phạt vi phạm hành chính cao hơn chỉ nhằm vào một số ít công dân có hành vi vi phạm pháp luật nhằm răn đe mạnh mẽ hơn nữa, bảo đảm cho phần lớn bộ phận những người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật được sống trong môi trường không có vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm quyền bình đẳng trong việc chấp hành pháp luật. Đây cũng là cơ chế Hà Nội đang áp dụng thí điểm và bước đầu cho thấy có hiệu quả nhất định.

Tuy nhiên, theo ông Thuận, Thường trực UB Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất và đề nghị nên chăng nghiên cứu áp dụng một số biện pháp khác, ví dụ như đối với vấn đề giao thông đô thị thì để giảm lưu lượng xe vào nội đô, nên quy định mức phí đỗ ô tô cao hơn hoặc bố trí rất ít điểm đỗ xe ở khu vực trung tâm, bố trí các điểm đỗ xe ở rất xa trung tâm TP, quy định những tuyến phố cấm một số loại phương tiện giao thông.

Không nên hạn chế di dân vào TP

Về vấn đề quản lý dân cư trong dự Luật Thủ đô, vấn đề này cũng còn có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị không nên có quy định đặc thù về vấn đề này mà nên thực hiện thống nhất theo quy định của Luật cư trú;

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận (Ảnh: VNN) 
Loại ý kiến thứ hai tán thành với quy định như trong dự thảo Luật là hạn chế việc nhập khẩu vào thủ đô vì cho rằng, do quy định của Luật cư trú về điều kiện cư trú khá dễ dàng nên tốc độ phát triển dân cư trên địa bàn Hà Nội thời gian qua rất nhanh. Số dân nhập cư vào khu vực nội đô ngày càng gia tăng với tỷ suất nhập cư là 65,3% trong 5 năm qua (2005-2009).

Do đó, Hà Nội đang phải đối mặt với sự quá tải về cơ sở hạ tầng, dịch vụ, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Để có thể giải quyết thực trạng này cần phải tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ như hạn chế tập trung dân cư trong khu vực nội đô, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tại khu vực ngoại thành nhằm giãn dân ra những khu vực này, xây dựng tuyến đường giao thông thuận lợi kết nối nội thành và ngoại thành…

Theo loại ý kiến tán thành với dự thảo thì biện pháp hành chính mà dự thảo Luật đưa ra tuy chưa phải là giải pháp tối ưu để quản lý dân cư, nhưng là một trong nhưng giải pháp cần thiết kết hợp với các giải pháp khác tại thời điểm này nhằm giảm tải số lượng dân cư cư trú trong nội đô.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng "tái nhấn mạnh",  UB Pháp luật cho rằng một thời gian dài  chúng ta đã áp dụng các biện pháp hành chính khắt khe nhằm hạn chế di dân tự do vào các TP lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, các biện pháp này không những không có hiệu quả mà còn phát sinh các hệ lụy khác như vấn đề giáo dục, an sinh xã hội, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm…

Theo đó, khi xây dựng Luật cư trú, Quốc hội đã bàn bạc kỹ và cũng đã có sự cân nhắc về những áp lực đặt ra đối với việc quản lý dân cư của những TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hơn nữa, quyền mưu sinh và quyền mưu cầu hạnh phúc, trong đó có việc di chuyển từ những nơi khó khăn đến những vùng có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi hơn là một quy luật của sự phát triển.

Đây không chỉ là nhu cầu của những người di cư vào Thủ đô mà còn chính là nhu cầu cần được đáp ứng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô - những nhu cầu tất yếu mà không biện pháp quản lý hành chính nào có thể ngăn cản được.

“Do vậy, đề nghị không nên quy định vấn đề này trong dự thảo Luật mà để thực hiện thống nhất theo quy định của Luật cư trú” – ông Thuận nhấn mạnh.

Cũng tại buổi làm việc, ông Thuận cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 thì dự án Luật Thủ đô cần được hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua vào kỳ thứ 9 (3/2011) nhưng qua nghiên cứu, Thường trực UB Pháp luật thấy hiện nay đang còn ý kiến rất khác nhau về phạm vi, giới hạn những cơ chế, chính sách đặc thù cũng như những nội dung cụ thể của dự thảo Luật, mà thời gian từ nay đến khi khai mạc kỳ họp thứ 9 không còn nhiều, vì vậy, "việc hoàn thiện dự án Luật bảo đảm chất lượng cũng như đáp ứng yêu cầu đặt ra là một thách thức lớn đối với Thường trực UB Pháp luật".

Cũng trong buổi làm việc sáng nay, UB Pháp luật cũng xin ý kiến chỉ đạo của UB TVQH một số vấn đề trong dự Luật Thủ đô như: Việc xác định phân khu trung tâm chính trị - hành chính quốc gia trong quy hoạch Thủ đô (khu vực chính đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế) phải do chính quyền Trung ương quyết định, có thể là Quốc hội hoặc Chính phủ; Khi xây dựng đường phố mới cần có quy hoạch giải phóng mặt bằng cả hai bên đường để xây dựng các công trình, nhà ở theo quy hoạch thống nhất, có thể nghiên cứu để quy định theo hướng bắt buộc phải thực hiện đối với các đường phố, tuyến phố quan trọng của Thủ đô (hoặc có thể sửa Luật quy hoạch đô thị);…

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng những vấn đề nêu trên tuy quan trọng nhưng nên để sửa đổi những văn bản pháp lý khác có liên quan, chẳng hạn Luật quy hoạch đô thị hoặc việc ban hành Luật quản lý đô thị để giải quyết những bức xúc không chỉ đối với Hà Nội mà còn đối với các đô thị khác.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn