Nội dung trên được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu khi trình dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sáng 16/10.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để trình Quốc hội xem xét luật lần này, Chính phủ đã bổ sung một chương quy định về hộ kinh doanh, tiếp tục thừa nhận đây là một hình thức kinh doanh bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.
Ông Dũng nhấn mạnh, quy định như vậy nhằm "đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh".
Địa vị pháp lý của hộ kinh doanh được quy định phù hợp với quy định tại Bộ luật Dân sự, theo đó hộ kinh doanh sẽ do cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký. Một số quy định hiện hành có tính chất hạn chế quy mô của hộ kinh doanh như chỉ được sử dụng 10 lao động, không được mở văn phòng, chi nhánh… sẽ được đề nghị bãi bỏ.
Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn về khái niệm, loại hình, đối tượng được thành lập, nghĩa vụ đăng ký, chủ hộ và các thành viên, quyền và nghĩa vụ (thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, môi trường...), nhằm bảo đảm vừa khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh vừa tạo sự công bằng, bình đẳng, minh bạch với doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, khu vực kinh tế cá thể đóng góp tới gần 30% GDP của cả nước, do đó cần quy định rất rõ địa vị pháp lý cũng như các quyền, nghĩa vụ để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hộ kinh doanh phát triển, vừa đòi hỏi họ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng với các chủ thể khác khi tham gia thị trường.
Bình luận