Nguồn tin từ cơ quan chức năng tỉnh Bình Định cho biết, thời gian sửa chữa tàu vỏ thép cho ngư dân của tỉnh này sẽ kéo dài hơn so với cam kết.
Trả lời VTC News , ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Định cho biết: “Do chất lượng tàu vỏ thép không đảm bảo, hư hỏng nên lãnh đạo tỉnh và ngư dân đã kiến nghị với các cơ sở đóng tàu buộc phải giải quyết một số vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho ngư dân.
Tỉnh cũng yêu cầu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm kéo tàu lên triền đà khôi phục thân vỏ tàu và trang thiết bị, máy móc trên tàu… đảm bảo chất lượng và an toàn để ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển.
Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng của đợt áp thấp nhiệt đới và mưa lớn nên việc sửa chữa tàu vỏ thép cho cho ngư dân vẫn chưa cán đích đúng hẹn”.
Ông Trần Văn Phúc cho biết, tỉnh sẽ tăng cường công tác theo dõi, giám sát việc sửa chữa tàu, phối hợp với các bên liên quan xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình sửa chữa.
Tỉnh Bình Định cũng hỗ trợ chủ tàu và phối hợp với cơ quan đăng kiểm trung ương tăng cường công tác giám sát trong quá trình sửa chữa đảm bảo chất lượng và thời gian, hướng dẫn khai thác, bảo quản máy móc thiết bị, bảo dưỡng sản phẩm thu hoạch và yêu cầu các công ty đóng tàu bồi thường thiệt hại cho ngư dân sớm nhất...
Theo kế hoạch, số tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định được 2 công ty đóng tàu ở ngoài tỉnh thực hiện và tổng số tàu bị hư hỏng là 20 chiếc. Trong đó, Công ty TNHH MTV Nam Triệu có 15 chiếc và Công ty Đại Nguyên Dương có 5 chiếc.
Trước đó, theo cam kết với chính quyền và ngư dân, những chiếc tàu vỏ thép bị sự cố sẽ được Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương tiến hành sửa chữa và hoàn tất cho ngư dân vào ngày 30/10 để ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển.
Đến nay, Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã thực hiện sửa chữa xong 7 chiếc. Các hạng mục phải sửa chữa gồm: thay lại máy thủy mới, sửa chữa, sơn lại vỏ tàu bị rỉ sét, khắc phục hầm bảo quản nước đá do giữ nhiệt kém 6 chiếc và 1 chiếc bị mắc cạn hư hỏng phần vỏ, lái.
Trong đó, đã có 1 tàu ra khơi được 2 chuyến, thu lãi được 400 triệu đồng; 4 tàu đang hoàn thành thủ tục chuẩn bị ra khơi sản xuất và 2 tàu đang trong giai đoạn hoàn thiện cân chỉnh máy thủy.
Đối với 8 tàu còn lại, cũng đã được kéo lên triền đà thực hiện sửa chữa tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, Bình Định và tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh.
Hiện nay, cả 8 tàu này đang được các cơ sở tích cực sửa chữa, nhưng thời hạn 30/10/2017 bàn giao tàu cho ngư dân thì chưa thể hoàn thành, do khối lượng sửa chữa còn rất nhiều.
Đối với Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, có 5 tàu phải sửa chữa và đến nay công ty này mới hoàn thành được 1 tàu cho chủ tàu ra khơi đánh bắt.
4 tàu còn lại vẫn đang nằm trên triền đà để tiếp tục sửa chữa hầm tàu, phun sơn, xử lý phần vỏ thép bị rỉ sét, thiết kế chuyển đổi ngành nghề… và cũng không kịp bàn giao theo kế hoạch.
Video: Truy trách nhiệm vụ tàu vỏ thép bị hư hỏng
Bình luận