• Zalo

Sự thật hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam chỉ trong 24 giờ

Thị trườngThứ Tư, 20/11/2024 21:53:06 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.

Chiều 20/11, tại hội thảo "Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử" ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, hiện nay, nhiều người rất kinh ngạc vì hàng hóa từ nước ngoài về đến tay người tiêu dùng Việt Nam chỉ mất 1-2 ngày.

Tuy nhiên, sự thật là những hàng hóa này đã nằm tại các kho ngoại quan ở trong nước. Những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.

Hội thảo "Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử" do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức tại TP.HCM chiều  20/11. (Ảnh: Hữu Hạnh)

Hội thảo "Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử" do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức tại TP.HCM chiều  20/11. (Ảnh: Hữu Hạnh)

“Khi có đơn hàng được chốt, nhà bán hàng sẽ làm thủ tục hải quan để chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng rất nhanh chóng. Mọi người đừng hiểu lầm rằng khi mình đặt hàng xong thì hàng mới từ Trung Quốc chuyển về. Không có chuyện đó đâu, hàng đã nằm sẵn ở Việt Nam”, ông Dũng nói.

Các diễn giả nhận định, tại Trung Quốc, thương mại điện tử và logistics có sự liên kết rất chặt chẽ, chuyên nghiệp. Các mắt xích kết nối với nhau nhuần nhuyễn. Điều này giúp cho hàng hóa lưu thông nhanh chóng, kịp thời.

Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Phòng quản lý thương mại - Sở Công Thương TP.HCM chia sẻ, ông đặt một đơn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam và nhận thấy họ chỉ mất 30 phút để đóng gói, 2 tiếng để thông quan và ngày hôm sau là hàng bắt đầu giao đến tay ông. Điều này cho thấy, logistics rất quan trọng.

“Dù mua bán bằng công nghệ thì chúng ta vẫn phải giao nhận, do đó logistics đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Ngoài ra, công nghệ đang giúp con người vượt qua rào cản ngôn ngữ. Cụ thể, một người ngồi một chỗ có thể livestream đến 40 quốc gia với 40 ngôn ngữ khác nhau, giọng điệu còn rất địa phương. Do đó, nếu tận dụng tốt công nghệ thì nhà bán hàng sẽ có nhiều cơ hội gia tăng doanh thu hơn”, ông Hùng cho hay.

Theo ông Hùng, thế giới đang thay đổi rất nhanh, các doanh nghiệp chỉ cần “ngủ quên” là sẽ khó theo kịp. Doanh nghiệp Việt cần xem bán hàng trực tuyến là bắt buộc, phải thích ứng. Hiện nay, livestream (phát trực tiếp) đang là xu hướng nhưng tương lai, hình thức này cũng có thể bị thay thế bằng hình thức khác. Do đó, việc thích ứng để thay đổi là rất quan trọng.

Các diễn giả thảo luận về cách tiếp sức cho hàng Việt bằng công nghệ AI, công nghệ livestream và logistics. (Ảnh: Hữu Hạnh)

Các diễn giả thảo luận về cách tiếp sức cho hàng Việt bằng công nghệ AI, công nghệ livestream và logistics. (Ảnh: Hữu Hạnh)

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng Thư ký VECOM cho biết, trong nhiều năm qua, hiệp hội này đã và đang hỗ trợ cho hàng ngàn doanh nghiệp trên khắp Việt Nam để phát triển kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử. Với những công cụ công nghệ như hiện nay, người bán hàng đã có thể dùng AI (trí tuệ nhân tạo) để tư vấn, chăm sóc khách hàng cũng như "chốt đơn" rất hiệu quả. Người bán hàng chỉ cần đào tạo, huấn luyện cho AI ghi nhớ và làm việc.

“Với một nhà bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử thì việc đổi màu, đổi size của khách là khá mệt mỏi, nhất là khi có cả ngàn đơn hàng mỗi ngày. Việc này rất phức tạp và tốn nhiều nhân sự. Tuy nhiên, với AI thì mọi thứ trở nên dễ dàng hơn và không cần tốn nhiều nhân lực như trước”, ông Đức nói.

Theo ông Đức, việc áp dụng công nghệ AI vào bán hàng đang có chi phí khá rẻ, chỉ khoảng 120 USD/tháng (hơn 3 triệu đồng/tháng). Chi phí này chỉ bằng 1/3 so với nhân sự thông thường nhưng hiệu quả lại rất rõ ràng. Vấn đề quan trọng là các nhà bán hàng phải thay đổi, chịu khó tìm hiểu, áp dụng công nghệ để tránh bị tụt lại phía sau. Việc hỗ trợ đào tạo đã có VECOM và các đơn vị khác đồng hành.

Cũng theo ông Đức, hiện nay, nhiều doanh nghiệp chỉ cần được tập huấn 2-3 ngày là đã có thể tự tổ chức livestream. Nhiều kênh mới tạo được vài ngày đã thu hút 30.000 - 40.000 người xem, tức có thể đạt gần chục triệu lượt xem/tháng. Từ đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng tăng trưởng doanh thu.

Ông Đức cho rằng, thương mại điện tử chính là môi trường mà các doanh nghiệp cần tận dụng để xuất khẩu xuyên biên giới. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu xuyên biên giới với mức tăng trưởng liên tục 15-20%/năm.

Thống kê của Google cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng khoảng 18% trong năm vừa qua. Nếu so sánh với cùng kỳ năm ngoái thì tăng trưởng hơn 30%. Người tiêu dùng chủ yếu tập trung mua hàng trên những nền tảng lớn như Shopee và TikTok Shop. Hai nền tảng này đã chiếm gần 90% thị phần.

Bình luận
vtcnews.vn