Chiều 23/4, tiếp tục phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, vấn đề được cơ quan thẩm tra quan tâm là việc bổ sung quy định không thu thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển trong định mức miễn thuế nhập khẩu và việc miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ.
Theo ông Lê Quang Mạnh, việc miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dựa trên thực tế là số thuế thu được không đáng kể so với chi phí quản lý thu của cơ quan hải quan và chi phí tuân thủ của người nộp thuế.
"Trước đây, số lượng hàng hóa có giá trị nhỏ được nhập khẩu không quá nhiều nên tác động tổng thể tới số thu là không đáng kể. Hiện nay, với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, xu hướng chung của nhiều quốc gia cho thấy lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua", ông Lê Quang Mạnh nêu thực tế.
Báo cáo thẩm tra dẫn số liệu của Tổng công ty cổ phần bưu chính viễn thông cho biết, tại thời điểm tháng 3/2023, có trung bình khoảng 4 - 5 triệu đơn hàng/ngày được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam, với giá trị mỗi đơn hàng được chia nhỏ 100.000 - 300.000 đồng.
Hàng ngày trung bình có khoảng 45 - 63 triệu USD, một tháng khoảng 1,3 - 1,9 tỷ USD giá trị hàng hoá được luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok...
"Hiện nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu. Vì vậy, đề nghị Chính phủ tham khảo xu thế chung để cân nhắc bỏ quy định này, tạo điều kiện mở rộng và bao quát các nguồn thu trong bối cảnh hạn chế về ngân sách hiện nay", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nói.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp về đối tượng không chịu thuế VAT, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề lĩnh vực báo chí - xuất bản có đưa vào dự án luật lần này hay không.
"Hiện nay cả báo giấy và báo điện tử đều khó khăn. Trước đây chúng ta chỉ nói báo giấy thôi nhưng giờ báo điện tử cũng gặp khó khi các nền tảng trực tuyến rất phát triển. Kinh tế báo chí rất khó khăn trong điều kiện quảng cáo trên các nền tảng trực tuyến rất phát triển. Các đồng chí nên nghiên cứu thêm vấn đề này", Chủ tịch Quốc hội nói.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu thêm các ý kiến nhà khoa học, trí thức về đề xuất đưa sách chuyên khảo vào đối tượng miễn thuế VAT.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện trong dự thảo luật mới nói đến sách giáo khoa, trong khi sách chuyên khảo có hàm lượng khoa học rất cao, loại tri thức cao hơn và cần được khuyến khích.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết dự thảo liệt kê 26 nhóm đối tượng không chịu thuế, trong đó chuyển 10 nhóm hàng hóa sang chịu thuế 5%.
"Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đề xuất sửa lại, sắp xếp 26 nhóm đối tượng này tương thích với danh mục, lĩnh vực ngành nghề theo hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Đây là một gợi ý để nghiên cứu cho tương thích với phân loại ngành nghề kinh doanh... để dễ theo dõi, không bị bỏ sót", Chủ tịch Quốc hội nhận định.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý, nên chăng cần nghiên cứu để bổ sung một số hành vi vi phạm, hành vi bị cấm và chế tài. Bởi đây là luật thuế về chính sách, ngoài những điều cấm trong Luật quản lý thuế đã có thì do tính chất đặc thù của thuế VAT có thể phát sinh nhiều hành vi vi phạm nên cần có răn đe.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng có thể nghiên cứu trong quy định chung thêm một điều nói về những hành vi cấm, chế tài xử phạt những trường hợp chưa được cụ thể hóa trong Luật quản lý thuế.
"Có thể ví dụ như hành vi gian lận hóa đơn, chứng từ, vi phạm về thời gian nộp thuế, khấu trừ thuế, hoàn thuế, lừa đảo chiếm đoạt thuế, khai khống hóa đơn thuế VAT, thành lập cơ sở kinh doanh để bán hóa đơn thuế VAT...", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu.
Bình luận