• Zalo

Sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa của châu Âu-Nga bị ngừng

Khám pháThứ Sáu, 18/03/2022 11:39:27 +07:00Google News
(VTC News) -

Hôm 18/3, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết dự án hợp tác với Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) nhằm tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa có thể bị trì hoãn ít nhất 4 năm.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án ExoMars trị giá hơn 1,8 tỷ USD sẽ được triển khai vào tháng 9/2022. Tuy nhiên, dự án bị hoãn do ESA ngừng hợp tác với Roscosmos.

ExoMars sẽ được tiến hành sớm nhất vào năm 2026.

Sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa của châu Âu-Nga bị ngừng - 1

Dự án ExoMars nhằm tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa có thể bị trì hoãn ít nhất 4 năm. (Ảnh: Getty Images)

Mục tiêu của sứ mệnh thám hiểm ExoMars là triển khai một chiếc xe tự hành trên sao Hỏa để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống. Cụ thể, xe tự hành dự kiến được đưa lên vũ trự từ sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan, bằng tên lửa Soyuz của Nga. Xe sẽ được đưa xuống bề mặt sao Hỏa bằng tàu đổ bộ Kazachok của Nga.

ExoMars chưa thể thực hiện được do Roscosmos phản ứng với các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Cơ quan Vũ trụ Nga đã rút hơn 100 chuyên gia của mình ở Cảng vũ trụ của Châu Âu ở Guiana (Pháp) về nước.

Do di chuyển theo quỹ đạo quanh Mặt Trời, các cơ quan hàng không vũ trụ chỉ có thể đưa xe thăm dò từ Trái Đất lên Sao Hỏa một lần mỗi 2 năm.

Ngoài ExoMars, tất cả các vụ phóng tên lửa Soyuz của Nga từ Cảng vũ trụ của Châu Âu đều bị "tạm dừng" vô thời hạn. Tổng cộng có 4 sứ mệnh vũ trụ của ESA bị ảnh hưởng - bao gồm hai vệ tinh dẫn đường Galileo dự kiến triển khai trong năm nay, kính viễn vọng không gian Euclid và vệ tinh khí tượng EarthCare ban đầu được lên kế hoạch triển khai vào năm 2023.

Tổng giám đốc Josef Aschbacher của ESA cho biết thêm về tình hình trên Trạm vũ trụ quốc tế: Phi hành đoàn gồm 4 người Mỹ, 2 người Nga cùng 1 người Đức vẫn tiếp tục làm việc cùng nhau bình thường.

Trần Trang(Nguồn: Financial Times)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp