Sống lâu, sống khỏe là điều bất cứ ai đều mong muốn. Hãy cùng tham khảo “bí quyết” trường thọ của các cụ cao niên nhưng vẫn vô cùng minh mẫn và khỏe mạnh.
Rèn luyện thể thao nâng cao tuổi thọ
Ở tuổi 97 nhưng hàng ngày cụ Đặng Văn Việt (ngõ 125 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn chạy xe máy dạo quanh khắp thành phố. Mái tóc đã bạc như cước nhưng người đàn ông sống qua hai thế kỷ luôn miệt mài đọc sách, viết báo.
Trước đây cụ Việt là quân nhân, khi nghỉ hưu cụ trở về với cuộc sống đời thường sau mấy chục năm có lẻ chinh chiến trên khắp các chiến trường từ Nam ra Bắc.
Nói về sức khỏe của mình, người lính già tự hào kể: Đây chính là kết quả của quá trình lao động, rèn luyện khi còn trẻ. Những ngày làm sinh viên hay đi chiến trường cụ có một thói quen chơi các môn thể thao, đặc bệt là bóng đá.
Hàng ngày, cụ dậy từ rất sớm. Cụ dành 2 tiếng mỗi ngày để khiêu vũ ngoài trời cùng những người bạn đồng niên. Trở về nhà cụ lại cặm cụi đọc sách, trau dồi kiến thức cho bản thân. Chiều đến là đi bơi.
“Chế độ sinh hoạt hàng ngày của tôi là như thế, mấy chục năm rồi không có thay đổi. Tôi nghĩ, nhờ chăm chỉ rèn luyện thể thao mà tôi có sức khỏe deo dai, đầu óc minh mẫn đến tận bây giờ”, cụ Việt chia sẻ.
Lao động đều đặn, ăn uống điều độ
Vừa đón 100 xuân, song cụ bà Nguyễn Thị Tỵ (thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định) vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Ngoài đôi mắt đã mờ đục dần vì tuổi tác, sức khỏe của cụ vẫn rất ổn định và trở thành người khỏe mạnh nhất nhì ngôi làng cổ ở đất thành Nam này.
Chia sẻ về cuộc đời mình, cụ Tỵ kể rằng như bao người phụ nữ ở nông thôn, cụ vất vả từ nhỏ. Ngoài công việc đồng áng trong gia đình, cụ còn phải đi chăn trâu, cắt cỏ thuê cho người ta mới đủ ăn, đủ mặc.
Cụ Tỵ tâm sự, khổ cực là thế nhưng có lẽ nhờ làm việc cả ngày nên cụ luôn giữ được sức khỏe dẻo dai. Đến nay, khi vừa đón 100 xuân cụ vẫn tự tay quét nhà rồi vệ sinh cá nhân mà không cần đến sự hỗ trợ của con cháu.
“Được cái trời ban cho sức khỏe anh ạ. Cuộc sống có khó khăn một chút nhưng nhờ cố gắng mà vượt qua hết đấy”, cụ Tỵ cười bảo.
Hỏi về chế độ sinh hoạt hàng ngày, bà Phan Thị Cậy, con gái cụ bảo cụ thường dậy từ 5 giờ sáng rồi lần mò dọn dẹp nhà cửa, lau dọn mọi thứ sau đó mới đến việc vệ sinh cá nhân.
Cụ rất thích ăn cơm trắng với rau xanh. Trong bữa ăn hàng ngày, mặc dù lúc nào cũng có thịt cá nhưng với cụ món rau xanh luôn là nhất.
“Tôi hay ăn rau nên cứ tự trồng một vài loại để phục vụ bữa ăn hàng ngày. Có mấy năm nay do sức khỏe yếu nên tôi không tự làm được thì đành nhờ con cháu hỗ trợ”, cụ Tỵ chia sẻ.
Đọc kinh cầu phúc, giữ tâm hồn thanh thản
Dù năm nay đã 92 tuổi nhưng cụ bà Tần Thị Tài (phường Hương Long, TP Huế, Thừa Thiên Huế) vẫn sống vui vẻ, lạc quan cùng con cháu. Điều người ta nhớ tới cụ là tính cách hiền hậu, một trí nhớ minh mẫn và tấm lòng yêu thương con người.
Điều làm chúng tôi bất ngờ, dù đã ngoài 90 nhưng cụ Tài vẫn có thể đọc sách vanh vách. Cụ theo đạo Thiên chúa, hàng ngày khi ánh nắng cuối ngày vừa tắt cụ lại chống gậy đi bộ lên nhà thờ tụng kinh.
Mặc dù cuối kinh nhỏ, chữ in li ti nhưng cụ vẫn nhìn rõ và đọc từng con chữ một. “Thói quen đi nhà thờ và đọc kinh hàng ngày của tôi mấy chục năm nay không bỏ được”, cụ Tài nói.
Có lẽ, nhờ vậy mà cụ luôn duy trì thói quen đọc kinh mỗi ngày dù bây giờ tuổi đã cao, sức đã yếu hơn xưa nhiều. Hàng ngày, cụ vẫn dạy dỗ con cháu phải biết kính trên nhường dưới, biết nghe lời để có cuộc sống bình yên.
Cả cuộc đời cụ dành hết sức lực cho lao động và tìm kiếm cuộc sống an yên nơi đức Chúa. Vì thế, có lẽ một trong những bí quyết trường thọ của cụ Tài là tính lạc quan và cuộc sống không cơ cầu.
Video: Cụ bà 76 tuổi đấu võ thần sầu, áp đảo thanh niên
Bình luận