• Zalo

Sơ tán chạy giặc Trung Quốc: Hồi ức đầy máu và nỗi sợ hãi

Phóng sựThứ Bảy, 20/02/2016 06:58:00 +07:00Google News

Dọc đường, từng đoàn xe ô tô, xe ngựa, xe trâu... đủ loại phương tiện rồi người đi bộ bồng bế nhau lếch thếch đầy đường.

(VTC News) – Dọc đường, từng đoàn xe ô tô, xe ngựa, xe trâu... đủ loại phương tiện rồi người đi bộ bồng bế nhau lếch thếch đầy đường.


Kỳ 1: Cuộc chiến căng thẳng ở Lạng Sơn

Sau khi Báo điện tử VTC News đăng bài viết về câu chuyện của nhà thơ Dương Kỳ Anh (nguyên TBT báo Tiền Phong) xung quanh cái chết tức tưởi của nhà báo Nhật Bản Takano, ông Trần Thanh Sơn (SN 1970, trước đây ở thị xã Lạng Sơn, nay công tác tại Công ty Điện lực Bắc Kạn) đã gửi cho báo bài viết từ sự cảm nhận của cá nhân ông về những năm tháng quân dân ta chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược năm 1979.

Báo điện tử VTC News xin giới thiệu đến bạn đọc để có thêm cái nhìn về sự tàn khốc trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Quốc cách đây 37 năm.

Tiếng súng đùng đoàng đầu tiên…

Vào ngày này cách đây 37 năm. Từ sáng sớm đã nghe tiếng ùng oàng từ biên giới vọng về Thị xã Lạng Sơn. Chúng tôi, những đứa trẻ 9-10 tuổi trong khu phố chạy ra bám các bác, các chú, các anh đang túm tụm bàn tán để hóng chuyện. Đã có đứa nào biết gì về chiến tranh đâu, khi đó có một chút lo sợ và cả thích thú nữa, trẻ con mà!.

Những bác đã trải qua cuộc chiến chống Mỹ bàn tán sôi nổi nhất làm cho mấy đứa trẻ như tôi há mồm ra nghe. Tiếng pháo nào của quân ta, tiếng pháo nào của quân Tàu, tiếng nổ nào của đạn pháo 130 ly, tiếng nổ nào của đạn pháo 155 ly... Nhưng rút cục cũng chả ai biết cụ thể thực sự ra sao, cứ bàn tán vậy thôi. 

Hình ảnh sơ tán trong chiến tranh biên giới. Ảnh tư liệu
Hình ảnh sơ tán trong chiến tranh biên giới. Ảnh tư liệu 

Mãi gần trưa, có chú bộ đội quen gia đình tôi đóng quân trong "Thành" (hồi đó, cơ quan Chỉ huy quân sự của Lạng Sơn đóng trong thành cổ) ra nhà bảo đấy là tiếng pháo của mình chiếm lại chốt bị Tàu chiếm. Gia đình đừng lo, quân ta "một tấc không đi một ly không rời"... Nghe nói thế, mọi người cũng yên tâm.

Về trưa, chiều, tiếng pháo lúc dồn dập, lúc thưa nhưng dường như nó đang dịch gần hơn về phía thị xã nhỏ bé này. Người lớn bắt đầu lo lắng ra mặt, một số gia đình dọn dẹp lại hầm trú ẩn được đào ở cửa nhà từ trước, thu dọn quần áo, nồi niêu... 

Video toàn cảnh cuộc chiến tranh biên giới 1979

Chúng tôi trải qua đêm 17/2/1979 trong lo âu, mặc dù trẻ con thì có biết gì đâu, thấy người lớn lo thì cũng lo sợ theo thôi. Sáng ngày 18/2 vẫn là cái chú bộ đội quen gia đình chạy ra nhà bảo bố mẹ tôi là tình hình không ổn rồi, anh chị cho các cháu đi sơ tán ngay đi. Thế là tất cả nháo nhào bê nồi niêu xong chảo, quần áo, chăn màn, gạo, lợn, gà… ầm ĩ cả khu phố nhờ luôn xe của mấy bác hàng xóm. Tất cả bắt đầu rời thị xã theo Quốc lộ 1 về Bản Loỏng, cách thị xã khoảng 4-5 km. Vì lúc đầu không ai nghĩ phải chạy xa, chỉ nghĩ cùng lắm là nó pháo kích vào thị xã thôi. 

Dọc đường, từng đoàn xe ô tô, xe ngựa, xe trâu... đủ loại phương tiện rồi người đi bộ bồng bế nhau lếch thếch đầy đường. Tìm một chỗ dưới mái hiên nhà ven đường cho gia đình xong, bố tôi cùng một số hàng xóm trở lại thị xã để thu dọn tiếp đồ đạc. Tại chỗ sơ tán tạm này, bên kia đường, trên sườn núi có một khẩu pháo có xe kéo của quân ta, vừa đi vừa bắn đùng đoàng, bọn trẻ con thích thú chạy ra xem, còn mấy bác lớn tuổi thì lo sợ quát tháo bảo tránh xa tìm chỗ nấp vì lo bị phản pháo...

Khi bố tôi quay về cùng các bác thấy nét mặt mọi người căng thẳng hò hét mấy gia đình leo hết lên cái xe "Giải Phóng" chạy một mạch về Mỏ đá 4 - Đồng Mỏ. Bắt đầu từ đây, gia đình tôi trải qua những năm tháng sơ tán vất vả do chiến tranh…

 

Những ngày sơ tán đầu tiên trong đời

Về đến Mỏ đá 4 - Đồng Mỏ, gia đình tôi vào ở nhờ bên ngoài hành lang của trường Cấp 1-2 Mỏ Đá, kề bên Quốc lộ 1. Lúc này, gia đình bác lái xe thì đi thẳng về thị trấn Đồng Mỏ, còn lại vài gia đình sắp xếp khu Hotel “Bờ La Hiên” để ở. 

Mặc dù đói, mệt nhưng gần như không ai muốn ăn gì cả. Nét lo âu, căng thẳng hiện rõ trên nét mặt từng người. Gần như tất cả đổ ra bên cạnh Quốc lộ 1 nhìn dòng người sơ tán, hỏi han: "Tàu nó đến đâu rồi?", "Quân mình có đánh được chúng nó không?", "Tàu nó vào thị xã chưa?"... Từng đoàn người dắt díu nhau, trâu, bò, gà, lợn hầm bà lằng đủ thứ đi từ phía Lạng Sơn xuống, ngược chiều là từng đoàn xe quân sự ầm ầm chạy ngược lên. Tất cả tạo nên một bầu không khí lo sợ, căng thẳng... 

Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu 

Lúc này, bố tôi bảo: "Có khi phải sơ tán về Hà Nội thôi!". Nhưng khổ nỗi là đi thì đi bằng gì? Ô tô các bác hàng xóm đi mất rồi, tàu hỏa thì họ bảo ưu tiên cho quân sự. Vậy là cứ ngồi bên lề đường nghe ngóng, nhìn dân tình đi sơ tán. Đến tầm chiều bắt đầu thấy lác đác bộ đội bị thương quấn băng trắng ở tay, ở đầu, chú có súng, chú không, đi cùng đoàn người sơ tán. 

Bố tôi vẫy một chú bộ đội vác mỗi quả đạn DKZ, quần áo đầy bùn đất mời điếu thuốc lá cuốn hỏi han. Thấy chú này đói nên bố tôi nấu cho chú ấy bát mì thanh, ăn xong mới kể là bộ đội đóng trên chốt, chúng nó đông quá, bắn hết đạn nên phải lăn xuống đồi rút về phía sau. Có chú bộ đội thấy mọi người đang ngồi nói chuyện bên nồi mì liền sà vào ăn xong hỏi đơn vị thu dung ở chỗ nào để lấy thêm đạn rồi ngược lên đánh nhau tiếp. Trong mắt tôi, họ là những anh hùng…

Qua ngày hôm sau, một gia đình ở phía bên kia đường đối diện trường học, đó là gia đình bác Thân, sang bảo bố tôi chuyển cả gia đình sang nhà bác ở tạm. Vậy là, chúng tôi không phải nằm “Hotel Bờ La Hiên” nữa. Trong những ngày tháng khó khăn đó, tình cảm người dân dành cho nhau thật đáng trân trọng. Họ có thể chia sẻ cho nhau từng bơ gạo, cái bát, cái thìa... mặc dù họ cũng không phải dư dả gì.

Pháo đài Đồng Đăng - nơi nhiều người bị sát hại bởi giặc Tàu
Pháo đài Đồng Đăng - nơi nhiều người bị sát hại bởi giặc Tàu 

Bên phía ngoài đường thì vẫn vậy, dòng người sơ tán giờ đã có đông bộ đội đi cùng hơn, bên cạnh những chuyến xe quân sự ngược lên biên giới thì cũng đã có những chuyến xe ngược từ biên giới về chở thương binh, tử sỹ. Có lúc, vài chiếc đỗ dừng gần chỗ chúng tôi, mọi người chạy ra hỏi han xem xét. 

Nhìn những bao, túi ni lon, tăng võng nằm bất động dưới sàn xe bê bết máu, những người lính cởi trần quấn băng đầy người ngồi la liệt trên thùng xe, ánh mắt thất thần, ngồi bất động mà nghĩ thấy thương quá. 

Có chú lính mất một tay, bị thương khá nặng nằm trên cáng khóc gọi mẹ, mọi người xúm vào động viên, có người nhảy hẳn lên thùng xe bê bát nước kê vào miệng cho uống. Được một lát thì không thấy chú lính kêu la gì nữa nằm im trong chiếc cáng, một chú khác kéo cái áo lên che mặt cho đồng đội, vài người dân đứng gần mắt đỏ hoe... Hình ảnh này tôi nhớ mãi đến tận bây giờ. Chiến tranh tàn khốc quá, người lính kia quê quán ở đâu? Bố, mẹ anh có biết hôm nay đứa con mình đã ra đi mãi mãi không?...

Còn tiếp…


Thanh Sơn
Bình luận
vtcnews.vn