• Zalo

Số phận cặp ấn kiếm khiến vua Bảo Đại và con trai kiện nhau

Chuyện bốn phươngThứ Sáu, 22/10/2021 14:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Cặp ấn và kiếm quý của triều Nguyễn mang số phận long đong, chìm nổi, có lúc còn khiến Bảo Đại và con trai - Thái tử Bảo Long - tranh chấp, phải đưa nhau ra tòa.

Ấn và kiếm luôn là bảo vật tôn quý bậc nhất của các vương triều bởi nó tượng trưng cho quyền lực tối thượng của hoàng đế. Vì vậy, số phận cặp bảo ấn và bảo kiếm của triều Nguyễn – vương triều cuối cùng của Việt Nam – được nhiều người quan tâm.

Vật báu của vương triều

Những người thích xem phim cổ trang hay đọc truyện về cung đình chắc không lạ gì khái niệm “ngọc tỷ” - ấn, hay nói nôm na là con dấu bằng ngọc. Ngoài ngọc, các loại bảo ấn của vua chúa còn có thể được tạo ra từ các vật liệu quý khác.

Triều Nguyễn có hơn 20 loại bảo tỷ (ấn quý) được đúc từ thời Gia Long, Minh Mạng và nhiều ấn khác đúc sau đời Minh Mạng cho đến thời Khải Định, sử dụng cho các loại văn bản khác nhau. Chẳng hạn, ấn Ngự tiền chi bảo dùng để đóng vào các chỉ dụ bình thường; ấn Sắc mệnh chi bảo đóng vào sắc mệnh, sắc cáo cho các quan, chiếu văn phong tặng thần và người…

Chiếc ấn lớn nhất, đẹp nhất và cũng quan trọng, quý giá nhất có tên Hoàng đế chi bảo, biểu tượng cho hoàng đế. Nó được dùng vào các dịp “khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ cũng là các cáo dụ thân huân, đi tuần thú các nơi để xem xét các địa phương, mọi điển lễ long trọng ấy và ban sắc, thư cho ngoại quốc…".

Số phận cặp ấn kiếm khiến vua Bảo Đại và con trai kiện nhau - 1

Ấn Hoàng đế chi bảo.

Đây chính là chiếc ấn mà vua Bảo Đại bàn giao cho đại diện chính quyền cách mạng vào ngày 30/8/1945 ở quảng trường Ngọ Môn (Huế) khi ông thoái vị. Nó được đúc trước đó 122 năm, từ năm 1823, dưới thời vua Minh Mạng.  

Ấn Hoàng đế chi bảo được làm từ vàng ròng, có hình vuông, phần quai đúc hình  con rồng uốn khúc, ngẩng cao đầu, mắt nhìn thẳng, đỉnh đầu rồng khắc hình chữ “vương”, 4 chân rồng đúc rõ 5 móng, tư thế chống chân xuống mặt ấn rất vững. Bốn chữ Hoàng đế chi bảo được khắc vào mặt dưới. Mặt trên, ở 2 bên quai khắc ngày giờ đúc và thông tin về vật liệu cũng như số lượng vật liệu để đúc nên bảo ấn. Theo đó, ấn được đúc vào giờ tốt ngày 4/2 năm Minh Mạng thứ 4, làm bằng vàng, gồm 280 lạng 9 chỉ 2 phân (gần hơn 10 kg).

Ngoài ấn Hoàng đế chi bảo, khi thoái vị, Bảo Đại còn trao cho đại diện chính quyền cách mạng thanh bảo kiếm của vương triều. Kiếm này được đúc vào thời phụ hoàng của ông – vua Khải Định. Chiều dài thanh trường kiếm (tính cả vỏ) là khoảng hơn 1 mét. Lưỡi kiếm được đúc bằng thép tốt, chuôi nạm ngọc. Vỏ kiếm bằng vàng, trên khắc dòng chữ “Khải Định niên chế”.

Số phận long đong

Lần đầu tiên quốc dân Việt Nam được nhìn thấy cặp ấn kiếm chí bảo của triều Nguyễn là vào chiều 30/8/1945 trong lễ thoái vị của vua Bảo Đại. Ông Trần Huy Liệu thay mặt phái đoàn đại diện Chính phủ VNDCCH nhận cặp ấn kiếm này từ Bảo Đại.

Số phận cặp ấn kiếm khiến vua Bảo Đại và con trai kiện nhau - 2

Bảo Đại - ông vua cuối cùng của Việt Nam.

“Tôi thay mặt Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp nhận hai vật tượng trưng của chế độ phong kiến. Cùng với ấn kiếm còn có một chiếc túi gấm đựng một bộ quân cờ bằng ngọc và những thứ quý giá khác”, ông Trần Huy Liệu viết trong hồi ký. Sau đó, hai vật này được đưa về Hà Nội. Tuy nhiên, sau ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), hai bảo vật lại rơi vào tay người Pháp.

Năm 1952, người Pháp tổ chức buổi lễ long trọng trả lại ấn kiếm cho Bảo Đại, lúc đó đang là Quốc trưởng của “Chính phủ Quốc gia Việt Nam” ở miền Nam. Sự kiện này được tạp chí Paris Match đăng bài tường thuật trong số ra đặc biệt, với nhiều hình ảnh minh họa.

Bà Bùi Mộng Điệp, “thứ phi” của Bảo Đại, từng kể  chuyện này với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: “Họ (Pháp) trả lại ấn kiếm cho nhà Nguyễn nhưng ông Bảo Đại lúc ấy đang nghỉ mát ở bên Tây, không ai đủ tư cách để nhận lại cả. Ông Lê Thanh Cảnh làm việc cho Pháp thấy thế gọi dây nói lên Buôn Mê Thuột gặp tôi. Nhưng tôi chưa thấy những báu vật ấy bao giờ, không biết có đúng hai cái ấn kiếm mà ông Bảo Đại đã trao cho ông Trần Huy Liệu năm 1945 hay không. Tôi phân vân nên đã mời Đức Từ Cung ở Huế đi tàu bay lên.

Hôm đón ấn kiếm, Đức Từ Cung bắt phải đặt lên một cái bàn ở sân bay Buôn Mê Thuột, phủ khăn đỏ, lạy ấn và kiếm năm lạy rồi mới được phép đưa về Dinh. Sau đó ông Bảo Đại về, tôi nói: ‘Ấn kiếm ngài đã trao cho phái đoàn ông Trần Huy Liệu, không hiểu sao lại rơi vào tay người Pháp. Vừa rồi họ gọi trả lại cho Ngài’. Ông Bảo Đại đến giật cái khăn đỏ ra và bảo: ‘Ờ! Đúng rồi…”

Số phận cặp ấn kiếm khiến vua Bảo Đại và con trai kiện nhau - 3

Năm 1952, thực dân Pháp trả ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại.

Theo “thứ phi”, bảo kiếm của nhà Nguyễn đã bị gãy làm đôi khi được Pháp trao trả, bà phải nhờ người hàn lại, sau đó mài để làm mờ vết gãy. Sau khi nhận lại,  Bảo Đại cho người đóng cốp sắt để cất giữ ấn kiếm và một cái mũ của vua Gia Long mà Thái hậu Từ Cung mang từ Huế lên.

Bà Mộng Điệp kể: “Năm 1953, chiến tranh trở nên ác liệt, không dám đem cặp ấn kiếm về Huế, cuối cùng ông Bảo Đại viết giấy giao cho tôi mang sang Pháp cùng với một số tư trang. Sau đó tôi giao hai báu vật ấy lại cho Hoàng hậu Nam Phương và Hoàng tử Bảo Long. Khi tôi đem sang giao có mặt các ông Nguyễn Đệ, Nguyễn Duy Quang, Nguyễn Tiến Lãng, Phạm Bích (con ông Phạm Quỳnh). Bốn người bưng hai cái ấn kiếm lên và giúp bà Nam Phương đưa vào tủ sắt”.

Cuộc tranh chấp của cha con Bảo Đại

Sinh thời, Nam Phương Hoàng Hậu từng dặn trưởng nam - Thái tử Bảo Long rằng không bao giờ được mở tủ để tách ấn và kiếm báu ra hai nơi. 

Năm 1963, Hoàng hậu Nam Phương qua đời, cặp ấn kiếm được Thái tử Bảo Long cất giữ tại tủ sắt của Liên hiệp Ngân hàng châu Âu. Cũng theo lời kể của bà Mộng Điệp, năm 1980, khi xuất bản tập hồi ký Con rồng An Nam, cựu hoàng Bảo Đại muốn dùng ấn Hoàng đế chi bảo để đóng vào sách nhằm làm tăng giá trị cho tác phẩm, nhưng con trai ông không muốn cho mượn.

Số phận cặp ấn kiếm khiến vua Bảo Đại và con trai kiện nhau - 4

Nguyễn Phúc Bảo Long, con trai trưởng của vua Bảo Đại.

 Thuyết phục cách nào Bảo Long cũng không đồng ý, viện cớ mẹ dặn không được tách hai bảo vật ra, Bảo Đại kiện con trai ra tòa để đòi lại ấn kiếm. Tòa án ở Pháp phân xử mỗi người được giữ một thứ: Cha giữ ấn, con giữ kiếm. Tuy nhiên, cuốn hồi ký Con rồng An Nam không thể đợi để đóng bằng ấn quý này, nó được đóng bằng con dấu ngự tiền văn phòng của ông Nguyễn Đệ, cựu thần của Bảo Đại.

Từ đó đến nay, không rõ số phận cặp ấn và kiếm quý ra sao. Có thông tin cho rằng Thái tử Bảo Long vì túng tiền nên đã bán mất bảo kiếm, còn bảo ấn thì lọt vào tay bà Monique Baudot – người vợ Pháp của Bảo Đại – sau cựu hoàng qua đời.

Vân Anh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn