Tình trạng bệnh nhân khổ sở vì bệnh viện không đủ thuốc, vật tư y tế được báo chí nói nhiều trong thời gian gần đây, sau khi hàng loạt cán bộ, quan chức trong ngành bị bắt vì những sai phạm liên quan đến đấu thầu. Bộ Y tế thừa nhận có tình trạng thiếu thốn này ở nhiều nơi, nguyên nhân chính là tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra nên không dám đấu thầu, mua sắm.
Những ngày này, người ta bàn nhiều về thế khó của lãnh đạo các bệnh viện, cơ quan y tế trước cơn khủng khoảng về thuốc men và vật tư, như miêu tả của PGS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM: Trước đây, giám đốc bệnh viện nào cũng muốn làm, nay thì không, bởi sợ trách nhiệm, vì với cơ chế hiện nay thì càng làm càng sai.
Người ta ái ngại, thông cảm cho các vị lãnh đạo này trước nguy cơ trở thành nạn nhân của cơ chế. Thế nhưng, nạn nhân thực sự, đối tượng cần được ái ngại, lo lắng nhất, lại không phải họ mà là người bệnh. Trong khi các giám đốc bệnh viện, lãnh đạo các cơ quan y tế vẫn được an toàn nhờ sự “thận trọng” của mình thì bao nhiêu người bệnh bởi thế mà đang đối diện với nguy hiểm do thiếu thuốc cùng các phương tiện chữa trị khác, hoặc thêm kiệt quệ, khốn cùng vì phải tìm mua những thứ đó ở ngoài nhà thuốc bệnh viện, không được BHYT thanh toán.
Nhiều năm nay, chưa bao giờ ngành Y tế đứng trước cuộc khủng hoảng lớn đến thế, người làm trong ngành cũng chưa bao giờ đối diện với nhiều thử thách đến thế: Chưa kịp hồi sức sau cuộc chiến sinh tử với COVID-19 đã bàng hoàng khi cơn bão “Việt Á” quét qua. Quả thực, họ đang vấp phải quá nhiều khó khăn trong công việc của mình. Có điều, trì hoãn mua sắm thuốc và vật tư y tế vì sợ sai, sợ kỷ luật chính là đẩy hết cái khó cho người bệnh.
Theo một cán bộ Sở Y tế Đắk Nông, không chỉ bệnh viện ngại đấu thầu mà ngay các doanh nghiệp cũng ngại cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế công lập vì sợ hụt thu. Các bên đều "giữ miếng" để bảo vệ lợi ích và sự an toàn của bản thân, vậy ai bảo vệ bệnh nhân?
Thực trạng khổ sở hiện nay của người bệnh thiếu thuốc đòi hỏi hành động cấp bách của các cơ quan, đơn vị trong ngành Y tế. Lý do tồn tại của bệnh viện, của ngành Y là cứu chữa bệnh nhân, quyết định làm hay không làm bất cứ điều gì đều hướng vào mục đích đó. Cứ “án binh bất động” để tránh bị kỷ luật thì đâu là tinh thần tất cả vì người bệnh, tinh thần xông lên tuyến đầu của các chiến sĩ áo trắng?
Nếu các lãnh đạo vì sợ vi phạm quy chế mà mặc kệ, để xảy ra thiếu thuốc thì đó là từ bỏ trách nhiệm, từ bỏ thiên chức, có tội với bệnh nhân, và là điều không thể chấp nhận đối với cán bộ. Khi gặp khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ, họ chỉ có hai lựa chọn: Tìm mọi cách để tháo gỡ bằng được; nếu không đủ khả năng thì lùi ra cho người khác làm. Không thể cứ giữ ghế, giữ chức vụ với những đặc quyền đặc lợi kèm theo nhưng gặp việc khó thì né.
Mặt khác, khi giải quyết tình trạng ngại mua sắm thuốc, vật tư y tế vì sợ kỷ luật, các bộ, ngành, các cơ quan chức năng cũng cần làm rõ, họ không làm vì sợ sai hay vì không thể thu lợi bất chính từ công việc đó, trong hoàn cảnh mà chuyện mua sắm công trong ngành Y đang bị “soi” rất kỹ? Liệu lời phàn nàn “với cơ chế hiện nay thì càng làm càng sai” có phải là để ngụy biện, che lấp một sự thật: Làm đúng thì không “chấm mút” được gì nên họ thà không làm?
Với thực trạng hàng trăm cán bộ bị pháp luật sờ gáy liên quan đến công ty Việt Á thời gian qua, hoàn toàn có thể đặt ra nghi vấn đó.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.
Bình luận