Chiều 17/11, Sở GTVT TP.HCM tổ chức Hội nghị phối hợp tăng cường công tác quản lý vận tải liên tỉnh giữa TP.HCM và các tỉnh: Hà Tĩnh, Quãng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang và Bạc Liêu.
Sở GTVT TP.HCM thông tin, thời gian qua đơn vị đã nhận được đề nghị của Sở GTVT các tỉnh về việc phối hợp xử lý xe hợp đồng, xe du lịch hoạt động như xe tuyến cố định, xe hợp đồng đăng ký cấp phù hiệu tại TP.HCM nhưng không hoạt động tại TP.HCM, đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định thuộc TP. HCM thực hiện không đúng, đầy đủ biểu đồ chạy xe.
Đối với vấn đề này, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã yêu cầu các đơn vị vận tải kiểm tra, chấn chỉnh và báo cáo các vi phạm trên.
Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện nay trên địa bàn thành phố có 5.379 đơn vị kinh doanh vận tải với 248.779 phương tiện kinh doanh vận tải đăng ký tại Sở gồm các loại hình: Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận chuyển khách du lịch, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container và kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô.
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở GTVT TP.HCM cho biết, trên địa bàn thành phố từ ngày 1/1/2017 đến nay, các đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch thông tin nội dung hợp đồng trước khi thực hiện trên trang web do Sở GTVT TP xây dựng và nội dung hợp đồng được thông tin công khai trên Cổng thông tin giao thông TP.HCM theo địa chỉ http://giaothong.hochiminhcity.gov.vn/ đề người dân và cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát.
Mặt khác, việc giám sát, kiểm tra thông tin dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của các phương tiện trên cả nước ngoài Sở GTVT quản lý địa bàn theo phân cấp còn có lực lượng Thanh tra Sở GTVT cũng được phân cấp kiểm tra, giám sát.
Trước đó, qua công tác kiểm tra việc chấp hành quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Sở GTVT TP.HCM nhận thấy vẫn còn tình trạng các đơn vị kinh doanh vận tải chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định.
Để hạn chế vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Sở đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô khẩn trương kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh đảm bảo kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong đó, đặc biệt là bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông phải thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn giao thông.
Liên quan đến việc xử lý dứt điểm tình trạng xe dù, bến cóc hoạt động trá hình dưới hình thức xe du lịch, xe hợp đồng gây xôn xao dư luận thời gian qua, Sở GTVT TP.HCM cũng nhận định tình trạng xe khách kinh doanh vận tải hành khách theo loại hình hợp đồng, du lịch đón, trả khách sai quy định, hoạt động như tuyến cố định (dư luận thường gọi là xe dù, bến cóc) đã và đang diễn ra trên cả nước.
Đặc biệt tại các thành phố lớn thì diễn biến càng phức tạp, gây mất trật tự, an toàn giao thông và không dàm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động vận tải hành khách.
Sở GTVT TP.HCM đánh giá, để giải quyết dứt điểm tình trạng xe dù bến cóc, cần tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt các giải pháp đã triển khai như rà soát tổ chức giao thông; tăng cường giám sát; thanh tra, kiểm tra, tuần tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để răn đe các đơn vị vận tải tự giác chấn chỉnh.
Đồng thời, Sở cũng tăng cường công tác tuyên truyền; kiến nghị cơ quan chức năng đề xuất hoành chỉnh văn bản quy phạm pháp luật và công cụ ứng dụng khoa học công nghệ xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, cần tính chuyên nghiệp, ý thức tuân thủ pháp luật của các đơn vị vận tải, tài xế và sự ủng hộ của người dân trong việc không tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật.
Bình luận