Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương thừa nhận những ngày qua việc mua sắm hàng hoá trở lên khó khăn hơn do 148/234 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối ở TP phải tạm đóng cửa.
"Nếu người dân đồng cảm, chia sẻ, bình tĩnh mua sắm thì chắc chắn không bao giờ thiếu hàng", ông Phương nói.
Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, lượng hàng hóa dự trữ tăng gấp 2-3 lần, đảm bảo nguồn cung đầy đủ nhưng hệ thống phân phối đang bị giảm sút rất nhiều nên có sự ảnh hưởng.
Ngoài nguyên nhân một lực lượng lớn lao động phải tạm ngưng hoạt động do phải cách ly tập trung hoặc theo dõi sức khỏe ở nhà, thì hàng hóa từ các địa phương về TP.HCM cũng gặp những khó khăn nhất định do ảnh hưởng của dịch bệnh. Bên cạnh đó, khi có thông tin áp dụng Chỉ thị 16, người dân có tâm lý muốn dự trữ hàng hóa nên tập trung mua sắm rất nhiều.
Ông Phương cũng cho hay, thời gian qua giá xăng tăng, thêm chi phí về xét nghiệm khiến giá hàng hóa tăng cao. "Cầu tăng đột biến, vượt quá năng lực cung ứng thì giá hàng hóa tăng là đương nhiên", ông Phương nói.
Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết hệ thống phân phối tuy khó khăn nhưng đã nỗ lực rất lớn. Như Saigon Co.op và Bách Hóa Xanh đã nâng công suất tối đa để cung ứng cho người dân. Hôm nay, doanh thu 2 đơn vị này tăng gấp 5 lần bình thường.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM chiều 7/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói ông rất hiểu nỗi lo lắng của người dân thành phố lúc này.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết, hiện nay số ca nhiễm tăng nhanh, tuy nhiên nguồn lực thành phố vẫn đảm bảo, thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh và luôn đảm bảo hàng hóa phong phú dồi dào tại các siêu thị, chợ truyền thống.
Do đó, ông Phong đề nghị người dân không cần mua tích trữ hàng hóa và không tập trung đông người tại siêu thị, chợ truyền thống; bình tĩnh, tin tưởng và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch của Trung ương và thành phố.
Bình luận